Dẹp dịch tin giả

Đại dịch COVID-19 nguy hiểm như thế nào thì chúng ta đang chứng kiến, song còn một loại virus khác mang trong mình độc tố, mức độ tàn phá và tốc độ lây lan cũng vô cùng khủng khiếp là “Virus Tin giả” thì không phải ai cũng dễ dàng nhận ra.

Mấy ngày qua, mạng xã hội rúng động với câu chuyện “Bác sĩ Trần Khoa” ở TP Hồ Chí Minh rút ống thở của mẹ đẻ để nhường sự sống cho một sản phụ nguy kịch sắp sinh đôi và đang cần máy thở. Thông tin này xuất hiện trên mạng Facebook ngày 7/8 và nhanh chóng được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, ngay lập tức Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (thuộc Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông) kết luận đây là tin giả và hoàn toàn hư cấu.    

Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cũng đã có buổi làm việc với chủ thể đăng ký và sử dụng tài khoản Facebook “Nguyễn Đức Hiển” và “Hoàng Nguyên Vũ”, hai trong số các tài khoản chia sẻ câu chuyện trên sớm nhất. Hai chủ tài khoản Facebook này thừa nhận, do mong muốn chia sẻ cảm xúc đối với sự hy sinh của “Bác sĩ Trần Khoa”, nhưng không kiểm chứng thấu đáo nguồn tin, đã vô ý chia sẻ thông tin theo nội dung đăng tải trên tài khoản Facebook “Trần Khoa”.    

Tin giả là một đại dịch bệnh vô hình. Vụ “Bác sĩ Trần Khoa” không phải trường hợp đầu tiên, cũng không phải tới bây giờ người dùng Internet mới nhận thấy điều ấy, nhưng có lẽ ít người hiểu hết được mức độ tinh vi, sự nguy hiểm của con virus quái ác này. Từ trước tới nay, chúng ta vẫn nghĩ đơn giản tung tin giả một phần do người dùng mạng xã hội thiếu kiến thức pháp luật, thiếu cẩn trọng khi tạo và đưa tin trên các phương tiện truyền thông xã hội, vô tư chia sẻ thông tin không kiểm chứng nguồn gốc và tính xác tín của thông tin, hoặc do người dùng mạng xã hội phần nào thiếu trách nhiệm, muốn nổi tiếng hay “câu like” (thích)…     

Tuy nhiên, thực tế nhiều vụ việc cho thấy “fake news” không chỉ là vấn nạn trên không gian mạng, mà dã nó biến tướng tinh vi trở thành một thứ “ma trận hắc ám” phục vụ âm mưu, lợi ích của một nhóm người, thậm chí một số trường hợp có dấu hiệu phạm tội. Các đối tượng này thường lập hàng loạt tài khoản mạng xã hội Facebook để tung tin thất thiệt, thêu dệt, và có cả những thông tin hoàn toàn bịa đặt, hư cấu, nhằm mục đích trục lợi cá nhân hay phá hoại, xuyên tạc chính sách, gây hoang mang dư luận.    

Đại dịch COVID-19 đang lây lan, trở thành vấn đề xã hội được dư luận quan tâm sát sao. Cũng chính vì thế, mạng xã hội đang trở thành mảnh đất màu mỡ để tin giả lan tràn, gây hại. Những vụ tin giả như vụ “Bác sĩ Trần Khoa”, 5.000 ca F1 liên quan tới ca COVID-19 tại quận đống đa, tin đồn thất thiệt về công dụng chữa COVID-19 của thuốc hay vật tư y tế…. chính là những vật cản trong cuộc chiến chống dịch của chúng ta. Dù cơ bản, các vụ việc này đã bị phát giác, song cũng có nhiều điều đáng ngẫm.     

Thứ nhất, tin giả thật sự đang trở thành một thứ dịch bệnh vô cùng nguy hiểm, một mối đe dọa thường trực và bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của “fake news”. Điều đáng lo ngại, đáng suy ngẫm là có không ít tài khoản Facebook nổi tiếng, uy tín, và thậm chí cả những người làm truyền thông chuyên nghiệp và được đánh giá là “thạo tin”, cũng trở thành nạn nhân của tin giả khi họ chia sẻ những thông tin gây hại cho xã hội mà không hề kiểm chứng.       

Thứ hai, vấn đề trách nhiệm của người dùng khi tham gia mạng xã hội đang thật sự đáng báo động. Nhiều người chia sẻ thông tin mà không hề kiểm chứng nguồn tin, độ xác thực và tính nhân văn của thông tin. Câu chuyện lấy bao nước mắt của “Bác sĩ Trần Khoa” nói trên đã nhận được hàng chục nghìn lượt Like, hàng nghìn lượt chia sẻ, thể hiện xúc động và cảm thông... Song không khó để thấy thông tin này phi lý, thiếu tin cậy. Sao người dùng có thể vô trách nhiệm chia sẻ, có thể bày tỏ đồng cảm với hành động con giết mẹ đại nghịch bất đạo, đi ngược hoàn toàn với giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc như thế???    

Thứ ba, tin giả cần được coi như là một loại hình tội phạm hình sự, bởi mức độ nguy hiểm và phá hoại xã hội của nó. Tin giả không hề “vô thưởng vô phạt”, nó có thể hủy hoại uy tín của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; kích động thù hận, báng bổ tôn giáo, kỳ thị sắc tộc. Tin giả thậm chí dẫn đến những vụ giết người vô tội. Giờ đây, nhiều đối tượng bịa đặt và tung tin giả không chỉ để “câu like”, mà có những toan tính trục lợi ngầm trong đó, ví dụ như việc kêu gọi tiền từ thiện.    

Năm 2020, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm trên mạng xã hội về đưa tin sai, bịa đặt về tình hình dịch COVID-19. Thời gian qua, ngày càng nhiều trường hợp đăng tin giả bị xử lý nghiêm khắc, như vụ "Bác sĩ Trần Khoa", tin thất thiệt về người chết vì COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh", hay thông tin về "giờ giới nghiêm tại Hà Nội"… Tuy nhiên, các đối tượng vi phạm phần lớn mới chỉ bị xử lý hành chính, nên sức răn đe chưa cao.    

Thứ tư, đó là vai trò và trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam. Việt Nam hoan nghênh Facebook nói riêng và các mạng xã hội nói chung hoạt động tại Việt Nam, song chắc chắn phải tuân thủ luật pháp sở tại và không vi phạm thuần phong mỹ tục của người Việt. Đầu năm nay, Facebook đã đóng vĩnh viễn tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump với cáo buộc tung tin kích động bạo lực. Thiết nghĩ, Facebook cũng cần có những quyết định nghiêm khắc như thế với người dùng Facebook ở các nước khác, trong đó có Việt Nam, nhất là những tài khoản tung tin giả gây phương hại cho xã hội.    

Cả nước đang “chung sức, đồng lòng” trên mặt trận chống “Giặc COVID-19”. Song công sức của các cấp các ngành, của bao con người đang ngày đêm hy sinh hạnh phúc cá nhân vì bình yên của cộng đồng có thể sẽ “đổ sông, đổ biển” vì tin giả. Thứ virus phá hoại này cần phải bị trừng trị và ngăn chặn. Còn với mỗi công dân, giờ chính là thời điểm chúng ta thể hiện ý thức trách nhiệm, tinh thần đoàn kết sẻ chia vì mục tiêu chung là chiến thắng đại dịch. Hành động giản đơn và thiết thực là nói “Không” với “Virus Tin giả”.

Chú thích ảnh
Trần Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Tin giả về COVID-19 gây hoang mang, bức xúc dư luận
Tin giả về COVID-19 gây hoang mang, bức xúc dư luận

Làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Trong khi người dân cả nước đang đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền các cấp chống dịch thì có không ít những tin tức thất thiệt, bịa đặt, giả mạo được tung ra, gây hoang mang, bức xúc dư luận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN