Mỳ gà tần Hàng Bồ chưa bao giờ vắng khách

Trước kia quán mỳ nổi tiếng này nằm lọt thỏm ở góc phố giao giữa Hàng Bồ và Lương Văn Can (Hà Nội), góc vỉa hè chật hẹp lúc nào cũng đông đúc vì người ăn, người mua mang về. Nhưng sau khi vỉa hè được "dọn dẹp", quán mỳ đã chuyển sang địa chỉ mới rộng rãi hơn tại 49 Hàng Bồ.

Trước kia quán chỉ nằm trên góc vỉa hè rất khiêm tốn. Không có biển quảng cáo, chỉ có khoảng chục chiếc ghế nhựa được xếp trên vỉa hè. Người lần đầu tới ăn phải tinh mắt một chút mới nhận ra được. Vậy mà quán lúc nào cũng đông khách, không chỉ vì thương hiệu này đã có mặt hơn 20 năm ở phố cổ, mà chất lượng của món ăn cũng đặc biệt thơm ngon.



Sau khi không được ngồi vỉa hè, quán chuyển về số 49 Hàng Bồ. Khác hẳn với đoạn vỉa hè chật hẹp cũ mà có khi khách phải ngồi tràn xuống lòng đường, địa điểm mới là một khoảng sân nhà rộng có sức chứa 50 - 60 người vào những ngày đông khách, nằm giấu mình trong con ngõ nhỏ bên ngoài được treo biển "Mỳ gà tần Hàng Bồ" giản dị và nhỏ bé như các cửa hàng khác, nhưng là đủ để các thực khách nhận ra quán mỳ trứ danh này.

Khoảng sân nhà rộng nằm ẩn trong con ngõ nhỏ bên ngoài được treo biển "Mỳ gà tần Hàng Bồ" giản dị.

Bát mỳ gà tần bưng ra thơm phức mùi thuốc bắc lẫn trong mùi ngải cứu đặc trưng. Món ăn được chế biến khá đơn giản. Ngoài gà tần thuốc bắc, người bán hàng trần thêm mì tôm, điểm vài cọng giá đỗ để ăn cho đỡ ngán. Chỉ vậy thôi mà món ăn này rất được yêu thích, vì cái vị mềm của thịt gà và cái vị ngọt dịu của nước dùng thuốc bắc tan trong miệng khiến người ăn phải nhớ mãi. Những thực khách tới đây thường gọi thêm tim hay óc trần để ăn cùng với món mỳ gà tần. Một bát mỳ đầy đặn như vậy là quá đủ để trở thành bữa tối ngon miệng cho các thực khách.


Tuy là quán vỉa hè nhưng đã có nhiều năm tên tuổi, cũng vì thế chất lượng hay nguyên liệu để làm nên món ăn này đều được chọn lựa rất kĩ càng. Gà được chọn để tần là loại gà non, có thời gian nuôi từ 7 - 8 tháng, được đặt riêng ở vùng ngoài thành phố. Thịt gà non nên ăn rất mềm, ngọt và thơm. Các vị thuốc bắc đi kèm bao gồm kỳ tử, đẳng qui, táo tầu, hạt sen… được lựa chọn kỹ càng. Sau đó tùy vào lượng gà mang đi tần mà gia giảm cho hợp lý. Vì vậy nước tần gà có vị thanh mát, dậy mùi thuốc bắc và ngải cứu mà không hề ngấy mỡ như một số quán khác. Tuy nhiên, nước tần hơi ngọt nên nếu không thích, khách có thể bảo chủ quán cho loãng hơn.

Bát mỳ gà tàn thêm tim đầy đặn...

Và mỳ gà tần thêm óc, đều có giá 70.000 đồng/bát.

Gà tần ở đây rất đẫy thịt, ăn không bị xương, bị bở, chủ quán lại hào phóng, bát nào bát nấy cũng có 4, 5 miếng gà. Những thực khách ngại ngần cái vị đắng ngai ngái của rau ngải cứu thì có thể yên tâm thưởng thức món ăn này, vì tuy ngải cứu hơi già nhưng được xào trước với nước tần gà nên khá thấm gia vị, không những không đắng mà lại ngấm cái vị ngọt của thảo mộc trong nước dùng. Nước dùng gà tần đậm đà vừa vặn, vị ngọt thanh dịu nhẹ, nổi bật hương vị của sự kết hợp các loại thảo mộc như táo tàu, kỳ tử, thục và ngải cứu... đều là những vị thuốc đông y tốt cho sức khỏe.



70.000 đồng cho một bát mỳ không phải rẻ, nhưng là đáng đồng tiền bát gạo nếu xét tới chất lượng của nó. Ngoài ra ở đây có một món ăn khá được yêu thích, là món chân gà tần với giá chỉ từ 6.000 đồng - 8.000 đồng, thường được các thực khách gọi ăn kèm để ngồi thưởng thức lai rai. Hấp dẫn là thế, nên cứ nhắc tới mỳ gà tần, chẳng ai lại không nhắc tới phố cổ Hàng Bồ.

Kiều Hà/ Báo Tin Tức
Xếp hàng ăn thịt xiên Hoàng Đức
Xếp hàng ăn thịt xiên Hoàng Đức

Đã từng có thời điểm, chỉ trong vòng 4 tiếng, quán thịt xiên này tiếp đón khoảng 400 lượt khách và tiêu thụ hơn 1.000 thịt xiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN