Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ diễn ra từ ngày 8 - 12/4 tại Phường 1, thành phố Cà Mau. Đây là một trong những sự kiện chính nằm trong Chương trình sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2022”.
UBND thành phố Cà Mau - đơn vị tổ chức cho biết, Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ năm nay thu hút 85 gian hàng đăng ký tham gia. Trong đó, 32 gian hàng bánh dân gian; 15 gian hàng sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương; 14 gian hàng quà lưu niệm; 12 gian hàng ẩm thực; còn lại là các gian hàng quần áo, mỹ phẩm…
Chuỗi hoạt động Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ lần 2 bao gồm: Tổ chức khu trình diễn bánh dân gian; giới thiệu, mua bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố; tổ chức Hội thi bánh dân gian và Hội thi trình diễn áo ba ba; tổ chức dâng bánh dân gian nhân dịp Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền Hùng (huyện Thới Bình). Thành phần tham gia Ngày hội gồm nghệ nhân, doanh nghiệp các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các huyện trên địa bàn tỉnh Cà Mau; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ẩm thực đường phố và chủ sản phẩm OCOP (các huyện, xã, phường).
Lần thứ 2 tham dự Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ, anh Võ Khánh Duy, đại diện Lò bánh tét Trà Cuốn Cô Ba Giang cho biết, lần đầu tiên mang sản phẩm bánh tét tham dự ngày hội đã nhận được sự ủng hộ lớn của thực khách, có thời điểm không còn hàng để bán. Do đó, năm nay lò bánh đã chuẩn bị số lượng nhiều hơn, nhằm phục tốt hơn nhu cầu của người dân tham dự Ngày hội.
Bên cạnh đặc sản bánh tét của nghệ nhân Cô Ba Giang, Ngày hội còn có sự tham gia của nghệ nhân Mười Thiết làm bánh phồng Sơn Đốc, đặc sản Bến Tre; nghệ nhân làm đặc sản bánh tráng Long An, bánh cống Kiên Giang… Điều này hứa hẹn đem đến cho những người sành ăn một trải nghiệm thú vị khi đến với Ngày hội.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ năm nay sẽ khắc phục những hạn chế năm trước, với sự chuẩn bị, trang trí đẹp hơn, đầu tư nhiều hơn, công tác hậu cần phục vụ lễ hội cũng sẽ tốt hơn. Đặc biệt, dịp này, Ban Tổ chức mời nghệ nhân, người làm bánh dân gian trên địa bàn tỉnh tham gia là chính, qua đó nhằm tạo dần thói quen, phong cách phục vụ lễ hội cho người dân Cà Mau những năm sau, cũng như những sự kiện du lịch thời gian tới được tốt hơn; đồng thời, góp phần tạo dựng thương hiệu bánh dân gian của người Cà Mau, quảng bá về vùng đất, con người, bản sắc văn hóa, tiềm năng du lịch tỉnh nhà.