Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ: Từng bước xây dựng thành thương hiệu quốc gia

Sau 5 ngày diễn ra, Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ 7 năm 2018 đã bế mạc vào tối 29/4.

Hơn 100 gian hàng bánh dân gian và ẩm thực truyền thống. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Qua 7 lần tổ chức, lễ hội đã trở thành một nét đặc trưng của thành phố Cần Thơ, là điểm nhấn văn hóa ẩm thực của vùng, vừa mang nét truyền thống dân gian lại vừa mang tính hiện đại. Đây cũng là ngày hội của các nghệ nhân và đông đảo du khách yêu thích ẩm thực truyền thống vào mỗi dịp Giỗ tổ Hùng Vương.

Với chủ đề “Cội nguồn chiếc bánh quê hương”, Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ 7 năm 2018 diễn ra từ 25 – 29/4, với khoảng 200 gian hàng, trong đó có hơn 100 gian hàng bánh dân gian và ẩm thực truyền thống. Ngoài Cần Thơ, lễ hội lần này còn có sự tham gia của 20 tỉnh, thành trong cả nước và 7 quốc gia gồm Pháp, Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc, Ý, Indonesia và Malaysia với nhiều loại bánh đặc trưng như bánh mì, bánh nướng (Pháp); sushi (Nhật); bánh gáo, bánh ngọt (Hàn Quốc)…

Trong bài phát biểu khai mạc Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ 2018, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ Lê Văn Tâm nhấn mạnh, đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người, văn hóa Nam bộ; giới thiệu các loại bánh đặc trưng và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực của người dân Nam Bộ, từng bước xây dựng thành thương hiệu quốc gia.

Lần tổ chức lễ hội này, Ban tổ chức chú trọng tạo ra nhiều hoạt động mới như khu chè quê, khu buffet bánh dân gian, con đường bánh dân gian… để du khách tìm hiểu về văn hóa, lưu giữ những kỷ niệm về Nam Bộ.

Trong khuôn khổ lễ hội còn có các hoạt động phong phú khác như hội thi bánh dân gian Nam bộ, thi trò chơi dân gian, thi hát về ẩm thực. Bên cạnh đó còn có 32 nghệ nhân đến từ 9 quận, huyện của thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long dự thi 42 loại bánh và trình diễn 37 loại bánh phục vụ du khách.

Một hoạt động mới của lễ hội năm nay, đồng thời cũng là nơi thu hút nhiều du khách là khu buffet bánh dân gian Nam bộ. Hầu như lúc nào trong khuôn viên 600m2 nơi tổ chức buffet cũng đông người, trong khi bên ngoài hàng trăm du khách vẫn xếp hàng dài chờ mua vé vào thưởng thức. Với giá vé 100.000 đồng/người lớn, 70.000 đồng/trẻ em, du khách có thể thưởng thức khoảng 50 loại bánh mặn, ngọt và thức uống trong không gian có điều hòa, được trình bày đẹp mắt, sạch sẽ.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, mỗi ngày có hàng chục ngàn người đến tham dự. Không ít gian hàng làm bánh không kịp bán phải “năn nỉ” khách đi tham quan một vòng rồi quay lại. Chị Tăng Hòa Ri (Bạc Liêu) chia sẻ, đây là lần đầu tiên chị đến lễ hội và rất ấn tượng với hàng trăm loại bánh dân gian được bày bán, trình diễn tại đây, trong đó có nhiều loại đã lâu không thấy xuất hiện trên thị trường. Hiện không dễ dàng tìm được nơi nào tập trung nhiều đặc sản ẩm thực dân gian Nam Bộ như lễ hội này.

Anh Nguyễn Phương Toàn, du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh xuống Cần Thơ đi lễ hội bánh cho biết, anh đánh giá cao khâu tổ chức, trong đó có việc thông báo đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lưu lại mẫu hàng ngày, điều này giúp du khách an tâm thưởng thức các món ăn tại lễ hội. “So với các lễ hội ẩm thực ở Thành phố Hồ Chí Minh mà tôi đã đi, ở đây món ăn phong phú hơn rất nhiều, giá cả cũng tương đương, nếu so với giá bên ngoài có phần cao hơn”, anh Toàn bày tỏ.

Nói về triển vọng đưa bánh dân gian Nam bộ trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng ở các địa phương, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ cho rằng, du khách khi đến các địa phương Nam bộ, ngoài tham quan, thưởng ngoạn, tìm hiểu văn hóa thì hoạt động trải nghiệm làng nghề, cùng người dân chế biến thức ăn, tìm hiểu ẩm thực bản địa, bánh dân gian... rất được yêu thích. Hiện một số địa phương của thành phố Cần Thơ đã triển khai các hoạt động trải nghiệm nhưng chưa nhiều và quy mô còn nhỏ lẻ. Theo ông Tùng, tiềm năng bánh dân gian còn lớn, tài hoa và sức sáng tạo của nghệ nhân trong đời sống rất phong phú. Vì vậy, rất cần sự phối hợp giữa nghệ nhân và các công ty lữ hành, du lịch để phát huy lợi thế này.

Những vấn đề còn gặp phải ở các mùa lễ hội trước như rác thải, an toàn vệ sinh thực phẩm, tự nâng giá… đã được Ban tổ chức siết chặt trong lần tổ chức này qua việc tổ chức những đoàn kiểm tra thường xuyên, liên tục trong suốt những ngày diễn ra lễ hội. “Năm nay, chúng tôi đã hạn chế tối đa những gian hàng không thuộc lĩnh vực bánh dân gian, ẩm thực và ngăn chặn tình trạng bán hàng rong trong khu vực của lễ hội. Các bãi giữ xe cũng đã được bố trí rộng rãi, hợp lý, tránh tình trạng ùn ứ…”, ông Tùng khẳng định.

Trước khi lễ hội diễn ra, Ban tổ chức đã gửi nội quy đến các đơn vị tham gia và có ký cam kết chịu trách nhiệm về hàng hóa, thực phẩm, thức ăn; phải niêm yết giá bán và bán đúng bảng giá công khai, bán đúng các mặt hàng đã đăng ký; hằng ngày gửi mẫu thực phẩm cho Ban Tổ chức để lưu... Riêng đối với các gian hàng không niêm yết giá, không bán đúng mặt hàng đã đăng ký, Ban Tổ chức có quyền chấm dứt hoạt động của gian hàng và sẽ xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

Mặc dù được tổ chức khá bài bản, chặt chẽ nhưng tại lễ hội cũng xảy ra tình trạng gian hàng bày bán các món bánh không nằm trong đăng ký. Ngay trong ngày khai mạc, nhiều du khách đi tham quan tại đây đều ngỡ ngàng khi tại gian hàng V.L.F có dán các tấm quảng cáo và bán loại bánh nướng có nguồn gốc từ nước ngoài mang hình dạng bộ phận sinh dục nam. Sau khi được một số người chụp lại hình ảnh và đưa lên mạng xã hội, cộng đồng mạng lập tức tỏ sự bất bình về hình ảnh những chiếc bánh "nhạy cảm" này.

Sau khi nắm được thông tin trên, ngay trong sáng 26/4, Ban tổ chức Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ đã xuống kiểm tra và yêu cầu gian hàng che hình treo quảng cáo và không được bán loại bánh này nữa. Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, ông cũng không biết loại bánh đó tên gì và lúc họ mở gian hàng đã không đăng ký loại bánh này. Khi lễ hội diễn ra, gian hàng này tự ý bày bán.

Dù chỉ là hành động tự phát của một gian hàng nhưng việc Ban tổ chức Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ 2018 đã phản ứng nhanh nhạy, kiên quyết loại bỏ những loại bánh có hình dạng không phù hợp với thuần phong mỹ tục, không phải bánh dân gian ra khỏi chương trình là việc làm cần thiết ở một lễ hội văn hóa, đã trở thành thương hiệu không chỉ của riêng Cần Thơ.

Theo nhận xét của nhiều du khách, lễ hội năm nay đã thành công khi tạo được không gian mới, món ăn đa dạng, phong phú, chất lượng, đúng nghĩa một lễ hội về ẩm thực, một hoạt động văn hóa có ý nghĩa nhiều mặt của Cần Thơ nói riêng và các địa phương trong vùng nói chung.

Thanh Liêm (Tin tức/TTXVN)
Những dấu ấn lịch sử ở cửa biển Đồ Sơn - Hải Phòng
Những dấu ấn lịch sử ở cửa biển Đồ Sơn - Hải Phòng

Có một vùng đất không chỉ mang dáng vẻ của một quần thể du lịch xanh, sơn thủy hữu tình, mà ở đó còn ẩn chứa trong mình những chứng tích lịch sử, ghi dấu ấn những chiến công "thần thánh" của các bậc tiền nhân... Đó là Đồ Sơn, điểm đến tâm linh, điểm đến du lịch của thành phố Hải Phòng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN