Theo Bộ Y tế, ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế bảo đảm chi trả cho các dịch vụ ở mức cơ bản; người sử dụng dịch vụ chi trả cho phần vượt mức. Ngành y tế có cơ chế giá dịch vụ và cơ chế đồng chi trả phù hợp nhằm khuyến khích người dân khám, chữa bệnh ở tuyến dưới. Các cơ sở y tế ở tuyến trên tập trung cung cấp các dịch vụ mà tuyến dưới chưa bảo đảm được.
Hiện ngành y tế đang xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí để thực hiện mục tiêu: Đến năm 2020, hoàn thành việc chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Hiện nay, giá dịch vụ khám chữa bệnh đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương (theo mức lương cơ sở). Theo lộ trình năm 2019 còn 2 bước điều chỉnh là: Điều chỉnh giá theo mức lương cơ sở mới 1.490.000 đồng và tính chi phí quản lý.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá khám chữa bệnh sẽ căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng CPI và điều kiện kinh tế xã hội. Nếu điều kiện khó khăn, chưa thuận lợi thì Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ điều hành giá để xem xét, điều chỉnh trong năm 2020. Như vậy, giá bao gồm cả chi phí khấu hao sẽ thực hiện vào 2021.
Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, kể cả của người có thu nhập cao, người nước ngoài, Bộ Y tế đã xây dựng Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Thông tư quy định phương pháp tính giá theo nguyên tắc được tính đủ chi phí và có tích lũy hợp lý để tái đầu tư. Thủ trưởng đơn vị có tổ chức hoạt động dịch vụ theo yêu cầu phải xây dựng và quyết định mức thu các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá. Riêng đối với các cơ sở y tế có sử dụng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được Nhà nước đầu tư để tổ chức hoạt động dịch vụ theo yêu cầu, Thủ trưởng đơn vị được quyết định mức thu nhưng không vượt quá mức giá tối đa do Bộ Y tế ban hành.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang đề xuất cơ chế việc đấu thầu, đàm phán giá cấp quốc gia trong thời gian tới theo hướng tổ chức đấu thầu hoặc đàm phán giá để xác định “giá trần” và xếp hạng các nhà thầu, giao cho các đơn vị, địa phương tự quyết định việc mua sắm, có thể đấu thầu hoặc mua trực tiếp trong số các nhà thầu đã được xếp hạng nhưng không được vượt “giá trần” đã công bố.
Bộ Y tế cũng cho biết: Trong năm 2018, Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp Viện Chiến lược và Chính sách y tế kiểm tra, đánh giá kết quả khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người bệnh tại 53 bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện thuộc trường, bệnh viện tuyến tỉnh cho tỉ lệ hài lòng là 83,7%. Ngoài ra, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp với Tổ chức sáng kiến Việt Nam thí điểm chương trình khảo sát sự hài lòng của người bệnh qua điện thoại tại 60 bệnh viện ở 23 tỉnh, thành phố. Kết quả là có 80,8 % người bệnh hài lòng với dịch vụ khám, chữa bệnh. Theo chỉ số PAPI năm 2018, chỉ số tham nhũng vặt ở bệnh viện huyện giảm còn 0,4% (năm 2016 là 17; năm 2017 là 9%). Nhà vệ sinh bệnh viện được cải thiện (tăng độ hài lòng của người bệnh thêm 3% so với năm 2017).
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng thẳng thắn chỉ ra rằng khả năng đáp ứng của một số cơ sở khám chữa bệnh còn nhiều hạn chế. Cụ thể là điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp, chưa đồng bộ, kể cả với các bệnh viện tuyến trung ương; thiếu nhân lực kể cả chuyên môn y tế cũng như chuyên môn hỗ trợ. Dù đã được tập huấn nhưng một số cán bộ còn cứng nhắc trong giao tiếp, ứng xử với người bệnh, nhận thức của một bộ phận cán bộ y tế còn chậm chuyển đổi, mang nặng cơ chế “xin – cho”, “ ban ơn”, chưa xác định người bệnh là trung tâm, là đối tượng phục vụ… Ở các bệnh viện còn diễn ra tình trạng quá tải, đặc biệt là bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh. Vẫn còn tồn tại những bất cập về cơ chế chính sách, nhất là trong công tác khám chữa bệnh; thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được cải cách nhưng còn nhiều quy trình phức tạp. Quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế chưa được đáp ứng thỏa đáng theo mong muốn…