Hàng loạt giải pháp 'giữ chân' người bệnh ở bệnh viện tuyến dưới

Năm 2018 được coi là năm hướng về y tế cơ sở của ngành y tế. Nhiều chính sách và hoạt động đã được thực hiện nhằm giúp người dân tiếp cận nhiều hơn với y tế cơ sở.

ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, đã trao đổi với phóng viên báo Tin tức xung quanh vấn đề này.

Chú thích ảnh
Khám chữa bệnh cho bệnh nhân tại tuyến y tế cơ sở, tỉnh Sơn La. Ảnh: Diệp Anh/TTXVN

Thiếu cơ chế chính sách nên y tế cơ sở đang khó giữ chân cả cán bộ y tế lẫn bệnh nhân. Vậy Bộ Y tế  sẽ có giải pháp gì để phát triển y tế cơ sở, thưa ông ?

Y tế cơ sở đã được ngành Y tế quan tâm từ những ngày đầu thành lập ngành. Mạng lưới các trạm y tế xã, phường đã được phát triển từ rất sớm. Bên cạnh đó, y tế thôn bản cũng được phát triển đóng vai trò rất quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

Hiện nay, các chính sách liên quan đến y tế cơ sở đã có và tương đối đầy đủ. Ví dụ, Nghị quyết 20 của TW Đảng, Chỉ thị 06 của Bộ Chính trị, Quyết định số 2348 của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều chương trình, kế hoạch của Bộ Y tế đang tập trung ưu tiên cho y tế cơ sở…. Một số thành tựu trong nhiều năm qua của ngành y tế như: nâng cao tuổi thọ, loại trừ một số bệnh dịch nguy hiểm, giảm tử vong trẻ em… có sự đóng góp hết sức quan trọng của y tế cơ sở.

Theo đánh giá của y tế thế giới thì Việt Nam là một trong những điểm sáng về y tế cơ sở. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, sự tiến bộ của ngành y tế và nhu cầu ngày càng cao của người dân thì công tác khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng được.

Đây là lý do, Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đang tập trung ưu tiên cho nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Đây là một chủ trương với những hành động cụ thể, thiết thực chứ không phải là hô khẩu hiệu. Ví dụ: Bộ Y tế đang triển khai đề án 26 trạm y tế xã điểm đồng thời triển khai các dự án liên quan đến phát triển nhân lực y tế…

Nhân lực cho y tế cơ sở, đặc biệt vùng sâu vùng xa luôn là vấn đề khó khăn nhất, Bộ Y tế đã có chiến lược gì để khắc phục?

Đây là một vấn đề khó khăn và Bộ Y tế đã thực hiện nhiều giải pháp cho vấn đề này.

Bộ Y tế đã tham mưu cho chính phủ ban hành Quyết định số 14 về luân phiên, luân chuyển cán bộ nhằm hỗ trợ nhân lực cho vùng sâu, vùng xa. Bộ Y tế phối hợp với Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam triển khai đề án đưa bác sĩ giỏi về 62 huyện nghèo với mục tiêu khoảng 300 bác sĩ tốt nghiệp loại khá, giỏi về tăng cường cho 62 huyện nghèo.Áp dụng chế độ cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ để phần nào giải quyết những khó khăn trước mắt về nhân lực cho những trạm y tế cơ sở vùng sâu vùng xa. Áp dụng chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế làm việc ở những nơi vùng sâu vùng xa.

Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ về chế độ, nghĩa vụ luân phiên sau khi tốt nghiệp về các địa bàn, khu vực thiếu nhân lực. Phát triển loại hình đào tạo về bác sĩ gia đình với chất lượng chuyên môn dưới dạng đa chuyên khoa để đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn đối với các thầy thuốc làm việc ở tuyến cơ sở. Hiện tại, Bộ Y tế đang chỉ đạo các bệnh viện tuyến trung ương tham gia hỗ trợ, giúp đỡ các trạm y tế ở các huyện thí điểm nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và tạo uy tín cho y tế cơ sở, tăng sức hấp dẫn với người dân.

Danh mục thuốc và kỹ thuật cho trạm y tế xã vẫn đang là rào cản cho người dân tiếp cận với y tế cơ sở. Điều này cũng là lý do người bệnh không thích về xã, phường. Mong ông cho biết khi nào trạm y tế được chi trả bảo hiểm y tế theo thực chi, tức là không áp dụng mức khoán 20% quỹ khám chữa bệnh ngoại trú?

Trước hết, theo các văn bản quy định của Bộ Y tế như: Thông tư số 40 về danh mục thuốc được bảo hiểm y tế thanh toán, Thông tư số 39 về gói dịch vụ y tế cơ bản, Thông tư số 43 về danh mục kĩ thuật và phân tuyến chuyên môn kĩ thuật trong khám chữa bệnh thì trạm y tế xã đã có trên 200 loại thuốc và trên 1.000 kĩ thuật được thực hiện tại trạm y tế.

Như vậy, nếu thực hiện theo đúng các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế thì không thiếu thuốc và các y, bác sĩ của trạm y tế xã có đủ điều kiện để thực hiện công tác khám, chữa bệnh thường gặp tại trạm y tế. Vấn đề ở đây là tổ chức thực hiện, trong quá trình đi kiểm tra, giám sát, Bộ Y tế phát hiện trạm y tế xã chưa được cung ứng đủ số thuốc theo danh mục, thường chỉ đáp ứng khoảng 50%.

Đây là vấn đề mà sở y tế địa phương và trung tâm y tế huyện phải quan tâm, thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Giải pháp thứ hai để giải quyết vấn đề này là tăng cường năng lực của đội ngũ y, bác sĩ thông qua các chương trình đào tạo, hỗ trợ chuyên môn từ tuyến trên, tháo gỡ một số vướng mắc liên quan đến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế như: Phạm vi hoạt động chuyên môn liên quan đến chứng chỉ hành nghề, thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Vấn đề thông tuyến trong khám chữa bệnh cũng ảnh hưởng tới công tác khám chữa bệnh ở trạm y tế xã vì người dân có quyền lên thẳng tuyến huyện để khám chữa bệnh ban đầu.

Sau một thời gian hoạt động thông tuyến thì thấy rõ xu hướng giảm số lượt khám chữa bệnh tại trạm y tế xã và tăng số lượt khám chữa bệnh ở trung tâm y tế, bệnh viện huyện. Vấn đề áp dụng mức khoán 20% quỹ khám chữa bệnh ngoại trú đã được điều chỉnh và bỏ hẳn khoản này trong nghị định số 146 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Tại sao ngành y tế không đầu tư máy móc cho y tế cơ sở, nhất là trạm y tế để thực hiện những xét nghiệm đơn giản, giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị?

Đây là một vấn đề thực tiễn cần có giải pháp khả thi và hiệu quả. Việc mỗi trạm y tế có máy xét nghiệm là điều khó khả thi vì nó liên quan đến chất lượng xét nghiệm, đầu tư thiết bị và con người.

Giải pháp cơ bản cho vấn đề này là tận dụng các xét nghiệm nhanh, áp dụng mô hình lấy mẫu và chuyển về tuyến huyện để phục vụ nhân dân. Nếu đầu tư cho mỗi trạm y tế một máy xét nghiệm thì chi phí sẽ rất lớn và không hiệu quả.

Trong trường hợp cần thiết thì chuyển mẫu xét nghiệm lên tuyến trên và trả kết quả cho người bệnh, bảo đảm người bệnh vẫn được quản lý, điều trị theo đúng chuyên môn của ngành y tế. Mặc dù không có xét nghiệm ở y tế cơ sở những chức năng của trạm y tế cơ sở vẫn có thể quản lý, điều trị được nhiều bệnh với sự hỗ trợ của trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện hoặc tuyến trên.

Bộ Y tế từng triển khai thí điểm đề án bác sĩ gia đình để góp phần nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Vậy đến nay, kết quả thực hiện ra sao? Khi nào thì nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình trong cả nước?

Tháng 9/2018, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo nhằm sơ kết thực hiện mô hình bác sĩ gia đình và đang trong giai đoạn tổng kết và đánh giá mô hình này. Hiện tại, Bộ Y tế đang sửa đổi bổ sung Thông tư hướng dẫn về bác sĩ gia đình và tiếp tục triển khai thí điểm theo hướng nhân rộng toàn quốc mô hình này. Bộ Y tế tiếp tục có một số nghiên cứu nhằm có chính sách tháo gỡ những khó khăn về việc nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình.

Xin cảm ơn ông!

Lê Hoàng
Đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải bệnh viện tuyến trên
Đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải bệnh viện tuyến trên

Nghị quyết 20 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân chuyển trọng tâm sang bảo vệ sức khỏe và xây dựng nền tảng y tế tại tuyến cơ sở (từ tuyến huyện trở xuống).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN