Theo đại diện của WHO tại Liban Abdinasir Abubakar, nguy cơ lây lan dịch tả đặc biệt nghiêm trọng trong bối cảnh hàng trăm nghìn người phải di dời kể từ khi căng thẳng leo thang trong khu vực.
Những tháng vừa qua, WHO đã nhiều lần cảnh báo khả năng căn bệnh này xuất hiện do thiếu các điều kiện về nước và vệ sinh trong nhóm di tản và các cộng đồng địa phương. Ông lưu ý rằng trong khi cư dân ở miền Bắc Liban gần đây đã tiếp xúc hoặc uống vaccine phòng bệnh, thì một số cộng đồng đang di tản từ miền Nam Liban và khu vực thủ đô Beirut lại không có khả năng đề kháng trước căn bệnh này. Do đó, nếu dịch bệnh bùng phát trong nhóm này, nguy cơ lây lan là rất lớn.
Trong khi đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định cơ quan này đã tăng cường các nỗ lực giám sát và truy vết tiếp xúc, bao gồm giám sát môi trường và lấy mẫu nước tại khu vực phát hiện ca nhiễm.
Trước đó, Bộ Y tế Liban đã xác nhận một trường hợp mắc bệnh tả vào ngày 14/10 tại một bệnh viện. Bệnh nhân là người Liban và không có tiền sử đi du lịch, đã phải nhập viện do bị tiêu chảy và mất nước.
Bệnh tả thường bắt nguồn từ việc ăn thực phẩm hoặc uống nước bị ô nhiễm.Các triệu chứng của bệnh gồm tiêu chảy nghiêm trọng, nôn mửa và chuột rút. Trong giai đoạn 2022-2023, Liban đã trải qua đợt bùng phát dịch tả đầu tiên sau 30 năm, chủ yếu ở miền Bắc. Vào tháng 8, Bộ Y tế Liban đã phát động chiến dịch uống vaccine phòng tả cho 350.000 người ở các khu vực có nguy cơ cao, song bạo lực gia tăng đã làm gián đoạn các nỗ lực này.