Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật thường xuyên ghi nhận các ca bệnh ung thư gan tới khám ở giai đoạn muộn. Các bệnh nhân ngày càng trẻ hóa, đặc biệt có không ít trường hợp dưới 35 tuổi, thậm chí dưới 30 tuổi đã mắc bệnh này.
Ung thư gan là ung thư đứng đầu tại Việt Nam, trong đó, 90% số ca ung thư gan là ung thư biểu mô tế bào gan (HCC). Theo Globocan 2020 (Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế), tỷ lệ mắc mới ung thư gan tại Việt Nam là 26.418 ca mỗi năm, chiếm 14,5% tổng số ung thư và 77% số ca ung thư gan là nam giới. Ung thư gan cũng là ung thư có số ca tử vong dẫn đầu với 25.272 ca, chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Long chia sẻ: Chúng tôi gặp nhiều bệnh nhân ung thư gan không có triệu chứng gì, đến viện thì đã ở giai đoạn rất nặng. Vì thế, vấn đề sàng lọc trên các đối tượng nguy cơ cao hết sức quan trọng. “Chẳng hạn, viêm gan virus B là yếu tố, nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan. Vì thế, những trường hợp bị viêm gan virus B cần được theo dõi định kỳ, tùy từng đối tượng, mức độ xơ của gan mà cách 3 - 6 tháng sàng lọc một lần”.
Cũng có trường hợp bệnh nhân bị đau tức hạ sườn tìm đến bệnh viện khám, khi đó gan đã tổn thương, khối u to và làm xét nghiệm đều dương tính viêm gan B. Bệnh nhân không biết mình mang bệnh. Có gia đình mẹ - con, cha - con cùng mắc ung thư gan do viêm gan virus B gây ra. Ngoài viêm gan virus B, viêm gan virus C cũng là tác nhân gây xơ gan, ung thư gan, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Long cho biết.
Vị chuyên gia y tế khuyến cáo những người bị viêm gan virus B, C cần phải theo dõi định kỳ từ 3 tới 6 tháng. Bệnh nhân viêm gan B mà có biểu hiện xơ gan mức độ nặng thì cần theo dõi sát hơn, sàng lọc 3 tháng một lần. Với các trường hợp viêm gan virus có xơ gan, thời gian khám sàng lọc cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện các tổn thương ung thư gan sớm, từ đó giúp kéo dài cuộc sống của người bệnh. Chuyên gia cũng cảnh báo thêm tình trạng lạm dụng rượu kết hợp với viêm gan virus khiến tình trạng gan bị phá hủy ngày càng tăng.
Trước tình trạng nhiều người bệnh tự mua thuốc uống, trong khi các loại thuốc đều phải kê đơn theo đúng chỉ định, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Long cho biết, Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị viêm gan nặng do tự mua thuốc điều trị. Họ mua thuốc và dùng thuốc theo kinh nghiệm, theo mách bảo, theo lời hướng dẫn của người bán. Từ đó, bệnh nhân bị viêm gan, nhiễm độc gan nặng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Long cho rằng, việc sàng lọc trên đối tượng nguy cơ cao là chìa khóa giải quyết nguy cơ trở nặng, tử vong của bệnh nhân ung thư gan, xơ gan. Ngoài ra, để phòng các bệnh về gan, cần tiêm vaccine phòng viêm gan B, thay đổi lối sống tránh thừa cân béo phì, hạn chế bia rượu, tăng cường luyện tập thể dục thể thao…
Hội thảo Cập nhật xử trí ung thư gan và các biến chứng do xơ gan thu hút các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành về gan, mật đến từ một số bệnh viện lớn của Hàn Quốc đã cập nhật và trao đổi những thông tin hữu ích đặc biệt về phương pháp tiếp cận chẩn đoán sàng lọc ung thư gan. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cùng chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư gan, đặc biệt là các phương pháp điều trị mới, thuốc mới, cũng như kỹ thuật, thuốc điều trị bệnh nhân xơ gan có biến chứng.