Tỷ lệ phân bổ vaccine cho TP Hồ Chí Minh cao nhất cả nước

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, từ tháng 3/2021 đến ngày 15/7/2021, Bộ Y tế đã phân bổ 13 đợt vaccine với tổng số 10.736.290 liều vaccine phòng COVID-19.

Chú thích ảnh
Người lao động TP Hồ Chí Minh được tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Trong tổng số hơn 10,7 triệu liều vaccine, có 7.487.790 liều vaccine AstraZeneca, 746.460 liều vaccine Pfizer, hơn 2 triệu liều vaccine Moderna, 500.000 liều vaccine Sinopharm và 2.000 liều vaccine Sputnik.

Bộ Y tế đã tiến hành phân bổ cho các đơn vị, địa phương, trong đó ưu tiên cho các tỉnh, thành phố đang có dịch để tiêm chủng trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch, các tỉnh, thành phố nguy cơ cao (có nhiều khu công nghiệp, có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế…) dựa trên số dân của từng tỉnh, thành phố, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cụ thể, số vaccine phân bổ cho 63 tỉnh, thành phố là 10.156.860 liều; cho lực lượng công an, quân đội là 573.120 liều. Số vaccine dùng để kiểm định và lưu mẫu là 6.310 liều.

Trong đó, TP Hồ Chí Minh là địa phương có tỷ lệ phân bổ vaccine trên dân số (trên 18 tuổi) cao nhất cả nước là 17%, tương ứng với hơn 2,35 triệu liều vaccine các loại (trong đó có hơn 1,94 triệu liều vaccine AstraZeneca, 105.300 liều vaccine Pfizer, 287.280 vaccine Moderna và 19.000 liều vaccine Sinopharm). Tiếp đến là các địa phương: Bắc Ninh (14,5%), Quảng Ninh (14%), Lạng Sơn (13,5%), Hà Nội (12,5%).

Về 1 triệu liều vaccine Sinopharm được nhà tài trợ ủng hộ TP Hồ Chí Minh trong ngày 31/7,  Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, đơn vị nhập khẩu đã gửi hồ sơ để Bộ Y tế thẩm định theo đúng quy trình. Do đang được thẩm định nên TP Hồ Chí Minh chưa triển khai tiêm lô vaccine Sinopharm này. Khi nào được Bộ Y tế thẩm định, đủ điều kiện, Thành phố sẽ tổ chức tiêm vaccine theo nguyện vọng như đợt 5 vừa qua.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh khẳng định, chính sách của Nhà nước là tiêm miễn phí, tự nguyện cho toàn dân. Trong đó, các loại vaccine được tiêm phải thỏa mãn 2 điều kiện, đó là được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp và Việt Nam cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Đến nay, có 4 loại vaccine được tiêm tại TP Hồ Chí Minh gồm AstraZeneca, Moderna, Pfizer và Sinopharm; trong đó, vaccine Sinopharm được WHO cấp phép khẩn cấp ngày 7/5/2021 và Việt Nam cấp phép khẩn cấp vào ngày 3/6/2021.

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến tối 2/8, TP Hồ Chí Minh đã tiêm hơn 920.000 liều của đợt 5. Có hơn 1.000 người có phản ứng sau tiêm, chủ yếu là triệu chứng nhẹ, tất cả đều an toàn. Từ ngày 3/8, TP Hồ Chí Minh chính thức bước vào đợt tiêm vaccine thứ 6, dự kiến kéo dài đến hết tháng 8/2021.

TP Hồ Chí Minh có khoảng 7 triệu người từ 18 tuổi trở lên. Hiện đã tiêm được 2 triệu liều vaccine nên còn khoảng 5 triệu người cần được tiêm. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng phải tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1. Như vậy, tổng nhu cầu vaccine của TP Hồ Chí Minh để đạt mức tiêm chủng 70% dân số tiêm mũi 1 và mũi 2 khoảng là 5,5 triệu liều.

Ng. Bích (TTXVN)
Bình Dương xin đăng ký thử nghiệm vaccine Nano Covax cho 200.000 người lao động
Bình Dương xin đăng ký thử nghiệm vaccine Nano Covax cho 200.000 người lao động

Ngày 3/8, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết, vừa có văn bản hỏa tốc gửi Bộ Y tế về việc xin tham gia chương trình tiêm thí điểm vaccine Nano Covax giai đoạn 3 (được triển khai từ giữa tháng 6/2021 và dự kiến kết thúc trong tháng 8/2021) cho 200.000 công nhân lao động, chiếm khoảng 16% số người lao động tại các nhà máy, xí nghiệp trong toàn tỉnh trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN