Hà Nội: Sẵn sàng bước vào chiến dịch 'thần tốc' tiêm vaccine phòng COVID-19

Những ngày này, thành phố Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của UBND thành phố Hà Nội.

Thành ủy Hà Nội đang tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo phát triển kinh tế, an sinh xã hội và sẵn sàng mọi điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất cho chiến dịch “thần tốc” tiêm phòng khi có đủ nguồn vaccine phòng COVID-19 trong thời gian tới.  

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại điểm tiêm Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm, ngày 3/8/2021. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Chờ vaccine

Các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đang tiến hành tiêm vaccine bước đầu theo thứ tự ưu tiên. Mặc dù, chưa thể tiêm đại trà diện rộng nhưng các địa phương đã có sự chuẩn bị, chủ động để bước vào đợt tiêm chủng diện rộng trong thời gian tới khi nguồn vaccine được phân bổ đủ.

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, quận có khoảng trên 300 ngàn người ở độ tuổi trên 18. Hiện nay, quận đang chuẩn bị nhân sự để đáp ứng cho 52 dây chuyền tiêm, với 150-200 mũi/ngày/dây chuyền. Với tinh thần quyết tâm rất cao, chuẩn bị phương án tổng lực vào cuộc, nếu được phân bổ đủ lượng vaccine, trong vòng 55-60 ngày, quận sẽ tiêm xong mũi 1 cho tất cả người dân trong quận. Đến nay, quận tiêm được gần 43.000 mũi tiêm cho người dân từ 18 tuổi trở lên.

Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND nhân dân quận Hoàn Kiếm cho hay, ở Hoàn Kiếm có thuận lợi nhờ hệ thống cơ sở đã có nhiều kinh nghiệm, tổ chức bài bản và dân trí khá cao. Đóng trên địa bàn quận có 2 bệnh viện Trung ương, 3 bệnh viện của thành phố và nhiều bác sĩ tư được huy động làm nhiệm vụ. Vì vậy, quận sẽ đáp ứng được tiêm phòng nhanh khi có nguồn vaccine chuyển về. Hiện nay, quận đã tiêm cho 16.000 người, trong đó 4.000 người được tiêm mũi 2, trên tổng số dân 140.000 người.

Đông Anh là huyện ngoại thành với nhiều mô hình hay trong phòng, chống dịch được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong thời gian qua. Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết, mô hình 3 lớp trong phòng, chống dịch bệnh luôn được huyện duy trì. Chính vì vậy, mọi công việc đã đi vào quy củ, việc triển khai tiêm phòng cũng nhanh chóng, an toàn. Đến nay, đã có 60 dây chuyền tiêm sẵn sàng chạy hết công suất khi vaccine có đủ.

Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ khó khăn của quận, hiện nay vấn đề thiếu và cần quan tâm nhất là lực lượng y tế, muốn đẩy nhanh tiến độ để tăng cường các dây chuyền tiêm thì cần đào tạo bổ sung nguồn nhân lực này. Một vấn đề nữa, số lượng người không đủ điều kiện tiêm tại trạm y tế phường khá lớn, chẳng hạn như mắc bệnh lý nền chiếm khoảng 25% phải chuyển vào bệnh viện để tiêm. Mặt khác, các bệnh viện hiện nay chủ yếu được chỉ định tiêm cho các trường hợp bệnh nền, bệnh lý rõ ràng, nhưng trong thực tế, các bệnh viện có năng lực để tiêm nhiều hơn nữa. Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ, cần huy động các bệnh viện tiêm cho các đối tượng khác.

Ông Nguyễn Quang Trung, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, quận đã quán triệt chủ trương chung của thành phố tới đông đảo cán bộ để hiểu sâu sắc đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu lúc này, từ đó mỗi người sẽ có trách nhiệm và vào cuộc quyết liệt hơn. Đặc biệt, quận chú trọng việc tiêm đúng đối tượng ưu tiên, mình bạch, công bằng trong triển khai.

Là Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Thiếu tướng Đỗ Thái Sơn cho biết: Đến nay, Bộ Tư lệnh đã chuẩn bị xong các kho (theo quy định, yêu cầu của Bộ Y tế, Tổng cục Hậu cần, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) có thể cất chứa, bảo quản được 1,5 triệu liều vaccine và các vật tư y tế, dung môi phục vụ tiêm phòng.

Theo đại diện Văn phòng Thành ủy Hà Nội, quan điểm và chủ trương của thành phố luôn thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ trong việc tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân. Thành phố luôn khơi dậy và phát huy tinh thần truyền thống tốt đẹp của người Hà Nội, vận động các doanh nghiệp mạnh trên địa bàn đóng góp ủng hộ  hoạt động phòng, chống dịch đúng cách, đúng pháp luật và không vì điều kiện ràng buộc.

Giải pháp quyết định

Về giải pháp lâu dài, mang tính quyết định để đẩy lùi dịch COVID-19, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng: Thành ủy chỉ đạo chính quyền các cấp chuẩn bị sẵn sàng các phương án tiếp nhận và sử dụng kịp thời, hiệu quả cao nhất khi được Chính phủ phân bổ vaccine. Thành phố đẩy nhanh việc xây dựng các phương án tổ chức các điểm tiêm chủng cố định và lưu động trên toàn địa bàn với tổng số 1.200 dây chuyền tiêm và 100 tổ cấp cứu lưu động tham gia ứng trực xử lý các tình huống bất thường sau tiêm. Trước mắt, mục tiêu của thành phố là xây dựng phương án sẵn sàng triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 bảo đảm năng lực tiêm 200.000 mũi/ngày. Hà Nội sẵn có và bố trí thêm trước mắt được 704 dây chuyền tiêm; cần bổ sung thêm 496 dây chuyền tiêm mới.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, ngoài sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cần phát huy truyền thống tốt đẹp của người Hà Nội, toàn dân tiếp tục đồng lòng, đồng thuận đẩy nhanh hoàn thành việc tiêm vaccine.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu ngành Y tế khẩn trương chuẩn bị cơ sở vật chất, vật tư y tế, con người nhằm thiết lập đủ số dây chuyền tiêm còn lại. Toàn bộ dây chuyền phải đồng bộ, đạt các tiêu chuẩn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, cần có kịch bản tổ chức tiêm chi tiết, khoa học, bài bản gắn với cơ chế vận hành đồng bộ, thống nhất, thông suốt; đồng thời triển khai tập huấn, huấn luyện và diễn tập các phương án tiêm chủng.

Để thực hiện thắng lợi chiến dịch tiêm chủng vaccine này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở phải vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ cùng ngành Y tế triển khai kế hoạch đề ra. Cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức đoàn thể các cấp trong thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, công khai minh bạch mọi thông tin về chiến dịch tiêm vaccine cho người dân; nêu rõ quan điểm mọi người dân đều bình đẳng về quyền lợi tiêm vaccine; tuyên truyền mọi thông tin liên quan đến việc tiêm vaccine như các tác dụng phụ và phản ứng không mong muốn; vận động mọi người dân đủ điều kiện về sức khỏe và độ tuổi đi tiêm vaccine khi thành phố được phân bố đủ lượng vaccine. Trong trường hợp lượng vaccine phân phối có hạn, thành phố sẽ tiến hành tiêm chủng theo thứ tự ưu tiên đã được Trung ương hướng dẫn.

Theo Sở Y tế Hà Nội, khả năng tiếp nhận tối đa của thành phố trong cùng một thời điểm khoảng 1,3 triệu liều vaccine theo quy cách đóng gói của vaccine AstraZeneca. Do đó, Sở phải tính toán năng lực tiếp nhận tương ứng với các chủng loại vaccine khác nhau; bao gồm cả những vaccine đòi hỏi điều kiện bảo quản phức tạp như Pfizer lên phương án vận chuyển, phân phối vaccine cho các điểm tiêm bảo đảm an toàn, chất lượng, kịp thời.

Sở Y tế Hà Nội cũng khuyến cáo, tại các điểm tiêm chủng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng mất trật tự, không bảo đảm an toàn phòng dịch. Các cấp cần phối hợp với lực lượng y tế xây dựng kế hoạch, kịch bản để phân bố lượng người đến tiêm vaccine theo khung giờ, theo ngày một cách phù hợp. Đặc biệt, khi đi tiêm người dân cần tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch, tự giác thực hiện thông điệp “5K”; thể hiện nét đẹp văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
Các nước đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19
Các nước đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19

Tính đến 1/8/2021, thế giới có trên 4,177 tỷ liều vaccine đã được tiêm ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những nước hiện có tỷ lệ dân số được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 cao là: Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đạt 71%; Chile 64%; Israel 62%; Canada 59,39%; Anh 56,49%; Mỹ 49%...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN