Trao đổi kinh nghiệm, học hỏi kỹ thuật mới trong khám và điều trị bệnh

Ngày 22/9, Hội nghị Khoa học thường niên với chủ đề “Nâng tầm trải nghiệm y tế xuất sắc cho cộng đồng” tổ chức tại thành phố Cần Thơ thu hút các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành ở các bệnh viện khu vực phía Nam như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi đồng 2; Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh…

Chú thích ảnh
Ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ phát biểu tại sự kiện. 

Tại hội nghị, ông Hoàng Quốc Cường- Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ cho biết, hội nghị năm nay có 48 đề tài thuộc 6 lĩnh vực về: sản - phụ khoa, nhi khoa, hiếm muộn, đa khoa, điều dưỡng, quản lý chất lượng - quản lý bệnh viện. Đây là cơ hội tốt để các bác sĩ trao đổi kinh nghiệm, học hỏi kỹ thuật mới trong khám và điều trị bệnh; chia sẻ các phương pháp vận hành hiệu quả, đóng góp những dịch vụ hướng đến cải tiến trải nghiệm khách hàng, cũng như các điểm sáng về hệ thống quản lý chất lượng bệnh viện… Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh an toàn, hiệu quả; giúp người bệnh và cả thân nhân của họ hài lòng hơn, thoải mái và an tâm hơn mỗi khi đến bệnh viện…

Ông Hoàng Quốc Cường đề nghị các bệnh viện cần chú trọng ngày càng nâng cao chất lượng khám điều trị lâm sàng an toàn, hiệu quả, triệt để; đồng thời, cải tiến trải nghiệm của bệnh nhân, cả thân nhân của họ ngày một hài lòng hơn, thoải mái và an tâm hơn. Những nhà quản trị bệnh viện cần nghĩ đến vai trò đồng bộ hóa, nâng tầm y tế ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.

Dẫn chứng về Bệnh viện Quốc tế Phương Châu là điểm sáng về chất lượng của hệ thống y tế thành phố Cần Thơ, Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ nhấn mạnh: Đây là bệnh viện đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt chứng nhận JCI (Joint Commission International - là một tổ chức có uy tín trên thế giới trong việc thẩm định và công nhận chất lượng y tế, đặc biệt là chất lượng bệnh viện, tập trung vào mục tiêu đảm bảo an toàn và mang lại hiệu quả điều trị cao nhất cho người bệnh).

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị. 

Theo các nhà chuyên môn, hiện nay hệ thống quản lý bệnh viện tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới đang tích cực “chuyển mình” trong công tác chăm sóc sức khỏe, vận hành mật thiết với 6 mục tiêu “an toàn - hiệu quả - lấy bệnh nhân làm trung tâm - kịp thời - tiết kiệm - bình đẳng”. Trong đó, các nước tiên tiến ở khu vực như Singapore, Malaysia, Hàn Quốc… đã và đang tập trung vào các công cuộc số hóa nhằm giảm tải khối lượng công việc hành chính cho nhân viên y tế; dành nhiều thời gian hơn trong tương tác và chăm sóc người bệnh. Nổi bật nhất là việc ứng dụng công nghệ AI vào hướng chẩn đoán đích và điều trị dự phòng.
 
Chính việc xuất phát từ xu hướng toàn cầu nên hội nghị khoa học về y tế xuất sắc cho cộng đồng năm nay sẽ hướng tới mục tiêu trải nghiệm y tế, xoay quanh không chỉ ở các lĩnh vực chuyên môn y khoa, mà còn trong công tác quản lý chất lượng, vận hành bệnh viện.

Tin, ảnh: Ánh Tuyết (TTXVN)
Đã có ca tử vong vì Whitmore, Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh
Đã có ca tử vong vì Whitmore, Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh

Bộ Y tế cho biết, bệnh Whitmore (hay tên gọi khác là Melioidosis) là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn B. pseudomallei tồn tại tự nhiên trong đất, có thể gây ô nhiễm nguồn nước và lây truyền chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN