TP Hồ Chí Minh: Trẻ khám bệnh tăng do bị viêm da cơ địa bội nhiễm

Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh, hàng năm bệnh viện tiếp nhận gần 63.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh lý viêm da cơ địa. Viên da cơ địa là bệnh lý đứng đầu trong các bệnh lý khám về da tại bệnh viện.

Ngày 8/4, Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị viêm da cơ địa đến khám, trong đó có nhiều trường hợp viêm da cơ địa bội nhiễm.

Chú thích ảnh
Viêm da cơ địa là một trong những bệnh lý ngoài da thường gặp ở trẻ em. Ảnh: L. A

Cụ thể, trường hợp bé giá 8 tháng tuổi (ngụ tại Bình Phước) được mẹ đưa đến khám trong tình trạng da mặt, tay chân phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết, bé ngứa ngáy, quấy khóc nhiều. Mẹ bé cho biết, từ lúc 3 tháng tuổi, 2 bên má của bé đã nổi những mảng đỏ, sau đó lan ra tay, chân, da khô sần, ngứa ngáy nên bé hay cào gãi. Do lo sợ dịch bệnh, nghĩ bệnh ngoài da đơn giản nên gia đình tự điều trị nhưng tình trạng không cải thiện. Gần đây, bệnh da nặng hơn, bé quấy khóc, ăn ngủ kém nên gia đình mới đưa đi khám.

Hay một trường hợp khác là bé trai 4 tháng tuổi ngụ tại Quận 12 được người nhà đến khám trong tình trạng da mặt, tay chân, thân mình xuất hiện nhiều sần đỏ, nhiều chỗ rỉ dịch, bé ngứa ngáy, quấy khóc, ngủ kém, sụt cân… Gia đình đưa bé đến khám tại bệnh viện và được bác sĩ chỉ định nhập viện.

BS CK2 Võ Thị Đoan Phượng, Trưởng khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, viêm da cơ địa bội nhiễm là tình trạng tổn thương da đã tiến triển nặng, lâu lành và thậm chí để lại sẹo do vi khuẩn, vi rút hoặc vi nấm tấn công.

Theo bác sĩ Phượng, viêm da cơ địa là một trong những bệnh lý ngoài da thường gặp ở trẻ em với các biểu hiện: mụn nước mọc thành chùm nằm trên nền hồng ban và rất ngứa, làm cho trẻ khó chịu, quấy khóc. Tùy vào độ tuổi khác nhau, bệnh sẽ có những biểu hiện, vị trí thương tổn khác nhau.

Ở trẻ sơ sinh, thương tổn da thường gặp là những mụn nước ở trên vùng má, vùng trán, vùng mặt, nếu nặng hơn có thể lan xuống khắp thân mình. Ở những trẻ lớn hơn, thương tổn thường gặp ở cổ tay, cổ chân, bàn tay, bàn chân, nếp khủy tay, chân và bé rất ngứa. Có 1 số trường hợp khi lớn, trẻ hết bệnh nhưng cũng có trường hợp phải sống chung với bệnh cả đời.

"Mọi đối tượng đều có thể mắc viêm da cơ địa bội nhiễm. Tuy nhiên, theo thống kê tỷ lệ trẻ em mắc bệnh thường cao hơn nhiều so với người lớn. Bởi trẻ em là đối tượng có hàng rào bảo vệ da chưa hoàn thiện, hệ miễn dịch còn non trẻ và sức đề kháng yếu. Do đó, trẻ rất dễ dễ bị tấn công bởi các loại vi khuẩn", bác sĩ Đoan Phượng nói.

Viêm da cơ địa ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng, lở loét da, để lại các vết thâm, sẹo vĩnh viễn, ảnh hưởng thẩm mỹ sau này. Theo đó, bác sĩ Phượng khuyến cáo, khi bé có biểu hiện của bệnh lý, gia đình nên đưa bé đến ngay bệnh viện chuyên khoa da liễu để được thăm khám và điều trị theo phác đồ phù hợp, ngăn cho bệnh diễn tiến nặng nề hơn và tránh được những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra do tự điều trị.

Đan Phương/Báo Tin tức
Những cảnh báo về căn bệnh viêm da cơ địa
Những cảnh báo về căn bệnh viêm da cơ địa

Thế nào là bệnh viêm da cơ địa và giải pháp điều trị là hai câu hỏi được không ít bậc cha mẹ quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN