TP Hồ Chí Minh: Số ca mắc tay chân miệng tăng

Ngày 20/3, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh đã thông tin về tình hình dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết trên địa bàn.

Theo đó, trong tuần 11 (từ ngày 11 - 17/3), tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận 107 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 40,8% so với trung bình 4 tuần trước đó.

Chú thích ảnh
Bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Tổng số ca mắc tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 11 là 1.495 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao là Quận 6 (33 ca), huyện Nhà Bè (31 ca), Quận 8 (27 ca)…

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận 129 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 10,3% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay là 2.067 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao là Quận 1, Quận 7 và quận Tân Phú.

Để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, ngành y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày; nên ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi.

Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Đối với phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần triệt nơi sinh sản của muỗi truyền nhiễm sốt xuất huyết như ngăn cản muỗi tiếp xúc nguồn nước bằng cách che, đậy kín vật chứa bằng vật liệu mà muỗi không bay qua được; sử dụng thiên địch của lăng quăng thả các loại cá ăn lăng quăng, bọ nước (mesocyclops)… vào dụng cụ chứa nước; sử dụng hóa chất diệt lăng quăng theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Không để các vật có thể chứa nước bị đọng nước: Lật úp vật chứa, đục lỗ, khơi thông dòng chảy, làm bằng phẳng các nơi bị đọng nước, che chắn để tránh nước mưa; loại bỏ phế liệu, thu gom rác thải có thể trở thành môi trường sống của muỗi.

Thường xuyên vệ sinh, làm sạch vật chứa nước định kỳ không quá 7 ngày 1 lần. Thay đổi hình thức trữ nước sử dụng trực tiếp từ vòi hoặc bồn chứa có nắp đập kín.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo tin tức
Tiêm đủ vaccine để phòng tránh bệnh ho gà
Tiêm đủ vaccine để phòng tránh bệnh ho gà

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 40 bệnh nhân mắc bệnh ho gà đều có những biến chứng viêm phổi nặng. Các ca bệnh đã được điều trị thành công, hiện còn 10 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN