Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong tuần 24 của năm 2024 (từ ngày 10 – 16/6), dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đều giảm.
Cụ thể, đối với bệnh tay chân miệng, trong tuần 24, Thành phố ghi nhận 360 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, thấp hơn 39% so với trung bình 4 tuần trước.
Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 24 là 6.619 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh và Quận 8.
Trong tuần 24, TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận 95 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, thấp hơn 1/3 so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 24 là 3.790 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Quận 1, thành phố Thủ Đức và Quận 7.
Theo ngành y tế TP Hồ Chí Minh, dù số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần qua có giảm nhưng hiện đang vào mùa mưa, muỗi vằn sẽ phát triển mạnh và bệnh sốt xuất huyết gia tăng.
“Các công trình xây dựng nếu không được quan tâm, ngoài nguy cơ về tai nạn lao động còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, bởi những công trình xây dựng với nhiều bồn chứa, thùng, hố rãnh… là môi trường lý tưởng cho lăng quăng, ấu trùng của muỗi phát triển”, đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định.
Trong tuần 24 các Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã tăng cường giám sát 83 điểm nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết Dengue tại 11/22 quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Kết quả phát hiện, 4 điểm nguy cơ là công trình xây dựng, vựa vật liệu xây dựng có phát sinh lăng quăng, bao gồm: Vựa vật liệu xây dựng tại 1A Ngô Quyền, Phường 12, Quận 5; công trình xây dựng tại 224/6/28 Ung Văn Khiêm, Phường 25, quận Bình Thạnh; công trình xây dựng tại 111/12/6 Lý Thánh Tông, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú; công trình xây dựng tại 67/03 Nguyễn Văn Yến, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú.
Đối với các điểm nguy cơ tồn tại vật chứa có lăng quăng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, Trung tâm Y tế và Trạm Y tế đã hướng dẫn cho chủ điểm nguy cơ dọn dẹp, xử lý vật chứa ngay tại thời điểm giám sát. Trạm Y tế sẽ thực hiện tái giám sát sau một tuần; thường xuyên rà soát các vật chứa tránh phát sinh lăng quăng tại các công trình xây dựng là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe của những người thi công và ngăn chặn dịch sốt xuất huyết trong cộng đồng.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kêu gọi, mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết thường xuyên để ngăn chặn dịch bùng phát.
Bên cạnh hai dịch bệnh truyền nhiễm trên, ngành y tế TP Hồ Chí Minh dự báo ,trong thời gian tới số ca mắc bệnh sởi sẽ có nguy cơ bùng phát nếu không thực hiện các biện pháp phòng bệnh như tiêm vaccine sởi cho trẻ, phát hiện ca bệnh sớm theo dõi xử lý ổ dịch kịp thời...
Các hoạt động phòng bệnh sốt xuất huyết: Đậy kín các vật dụng dự trữ nước sinh hoạt, thu gom các đồ vật có thể ứ đọng nước trong và xung quanh nhà, loại bỏ các vật phế thải có thể đọng nước (như chậu kiểng, bình hoa, lốp xe cũ và các dụng cụ chứa nước khác...). Dọn dẹp vệ sinh khu vực xung quanh nhà, lấp kín các ổ nước, dọn sạch rác thải. Ngủ mùng, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi phát hiện địa điểm có nguy cơ phát sinh lăng quăng gây bệnh sốt xuất huyết, người dân hãy nhanh chóng phản ánh địa chỉ cụ thể lên ứng dụng “Y tế trực tuyến” để được xử lý.