TS. BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng Hội y học Việt Nam, kiêm Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề này nhằm hạn chế các sự cố y khoa.
TS.BS Trương Hồng Sơn trình bày thực trạng và giải pháp khắc hạn chế sự cố y khoa.
Sau sự cố tai biến khiến 8 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong tại Hòa Bình, các chuyên gia y tế nhắc nhiều đến việc ngành Y cần khắc phục lỗi hệ thống để hạn chế sai sót. Vậy cụ thể vấn đề là gì, thưa ông?
Sự cố không mong muốn trong thực hành y khoa (sự cố y khoa) là cụm từ được Tổ chức y tế thế giới (WHO) xác định là những tác hại liên quan đến chẩn đoán, điều trị, chăm sóc, sử dụng trang thiết bị y tế để cung cấp dịch vụ y tế. Sự cố y khoa có thể phòng ngừa và không thể phòng ngừa được chia thành 9 cấp độ theo mức độ nghiêm trọng và mức độ nghiêm trọng nhất là bệnh nhân bị tử vong.
Các số liệu thống kê cho thấy, ở các trường hợp tử vong nguyên nhân từ cá nhân chỉ chiếm 30%, phần lớn nguyên nhân (70%) các sự cố y khoa đến từ lỗi hệ thống và tình trạng này có thể giảm được một nửa nếu áp dụng chặt chẽ các quy chuẩn về An toàn người bệnh
Thông thường khi xảy ra sự cố y khoa, câu hỏi thường đặt ra là ai làm sai và kết luận buộc tội cá nhân rồi kỷ luật. Tuy nhiên, cần đặt sự việc trong bối cảnh chung để cùng khắc phục trong toàn hệ thống. Ví dụ 1 bác sỹ giỏi để xảy sai sót ở bệnh nhân thứ 70 trong ngày, thì việc kỷ luật là đúng nhưng cần xem xét đến chi tiết bác sỹ đó đang làm việc trong tình trạng quá tải, phải khám đến gấp 2 lần số lượng bệnh nhân theo quy định, tủ bảo quản thuốc cũng quá tải nên phải để lẫn lộn các loại thuốc...
Do đó, để giảm được lỗi hệ thống, cần đặt ra các vấn đề một cách tổng thể gồm các câu hỏi sai sót có thể xảy ra ở những giai đoạn nào? Có thể do những nguyên nhân nào? Con người? Thiết bị? Thuốc? Vật tư? Phương pháp/kỹ năng? Đào tạo?... Từ đó, đưa ra các giải pháp để cải thiện hệ thống bao gồm: Quản lý, quy trình khám điều trị, quản lý chất lượng thuốc, đấu thầu và sử dụng trang thiết bị, hoá chất, môi trường làm việc và tập huấn chuyên môn.
Quy trình cải tiến an toàn người bệnh. Nguồn: PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. |
Theo ông, vấn đề nhân lực, cũng như việc đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ y, bác sĩ hiện nay đã đảm bảo chưa?
Giảm sự cố y khoa cũng liên quan chặt chẽ đến chất lượng cán bộ y tế, nhất là chất lượng đào tạo trong trường đại học y và đào tạo liên tục. Đào tạo của ngành Y là đào tạo dựa trên thực hành, vì vậy việc bác sỹ được học tập và thực hành tại các bệnh viện đạt chuẩn là điều kiện rất quan trọng.
Hiện nay, các mô hình như Đại học Y Hà Nội với sự kết hợp với các bệnh viện Trung ương tuyến đầu như Bạch Mai, Việt Đức, Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương... đã phần nào đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, nguy cơ từ việc mở rộng đào tạo ào ạt ngành y ở một số trường công và tư không đảm bảo chất lượng với lý do nước ta đang thiếu bác sỹ đã đặt ra những mối nguy trong tương lại không xa đối với sức khoẻ của người dân.
Cùng đó là nâng cao chất lượng đào tạo liên tục. Từ thực tiễn, chúng tôi cho rằng hoạt động đào tạo liên tục, đào tạo lại cho cán bộ y tế cần phải được đẩy mạnh hơn nhiều so với hiện nay. Khoa học về Y dược đã có những bước tiến dài trong vài chục năm qua, các phác đồ điều trị đã thay đổi rất nhiều và các cán bộ y tế cần phải được tham gia các chương trình đào tạo cập nhật kiến thức.
Quy định về việc Cán bộ y tế đã được cấp chứng chỉ hành nghề và đang hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có nghĩa vụ tham gia đào tạo liên tục tối thiểu 48 tiết học trong 2 năm liên tiếp đã được Bộ Y tế qui định trong thông tư 22/ 2013/ TT-BYT. Nhưng trên thực tế thì cán bộ y tế không đi học cũng... chẳng sao cả. Chúng tôi khẳng định lỗi không phải do cán bộ y tế lười học hay trốn tránh. Nhưng họ đi học ở đâu? Giảng viên là ai? Ngân sách ở đâu? Thời gian khi nào? trong khi các bệnh viện lớn thì đang chìm đắm trong sự quá tải, các trường đại học thì đang quá bận rộn trong nhiệm vụ đào tạo đại học, thạc sỹ, tiến sỹ và nếu giao cho các Sở y tế các tỉnh chịu trách nhiệm tự đào tạo thì đôi khi lại rơi vào tình trạng “cơm chấm cơm”.
Trong những năm qua, Tổng hội Y học Việt Nam và các Hội chuyên khoa đã phối hợp tập huấn 10 chuyên khoa cho 30 tỉnh và với 9.000 lượt bác sỹ và cán bộ y tế được đào tạo lại. Đây là một nỗ lực rất đáng ghi nhận trong hoàn cảnh không có ngân sách hỗ trợ và các giảng viên là các giáo sư, tiến sỹ hàng đầu của các chuyên ngành đã tranh thủ những ngày cuối tuần đến giảng bài, chia sẻ kinh nghiệm cho các đồng nghiệp ở các địa phương.
Tuy nhiên, những hoạt động này do chưa được đầu tư đúng mực nên vẫn còn như muối bỏ bể, chưa trở thành một chiến lược đào tạo trong ngành và là nhiệm vụ trọng tâm như đáng lẽ nó phải như vậy.
Một thống kê năm 2013 cho thấy trong số hơn 1.800 máy lọc thận trên cả nước thì có đến 74,6% là thuê máy với hình thức xã hội hóa và thường là các doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm về bảo hành, bảo trì máy móc và các hệ thống liên quan. Sự cố y tế khiến 8 bệnh nhân suy thận tử vong tại Hòa Bình cũng là do doanh nghiệp cẩu thả trong việc bảo trì hệ thống lọc nước RO. Vậy có cần rút kinh nghiệm gì trong việc quản lý máy móc xã hội hóa không, thưa ông?
Ở các nước phát triển, số lượng tử vong do sự cố y khoa tại Mỹ (quốc gia có dân số 322 triệu) là khoảng 44.000 -98.000 người/năm; tại Úc (dân số 24 triệu) là 18.000 và ở Canada (dân số 36 triệu) là khoảng 15.000 người/năm. Cho đến nay không có các số liệu đầy đủ từ các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam, nhưng tỷ lệ này chắc chắn còn ở mức rất cao. |
Vấn đề xã hội hóa ở các cơ sở y tế cũng cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc và có những quy định rất cụ thể về triển khai, giám sát và đánh giá.
Trong những năm qua, xã hội hóa y tế với các hình thức như liên kết với các cá nhân hoặc các doanh nghiệp đã được áp dụng để giải quyết vốn cho trang thiết bị y tế, và gần đây là cho cả xây dựng cơ bản trong y tế. Trong tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, chúng ta không phủ nhận xã hội hóa y tế đã giúp triển khai nhiều kỹ thuật mới.
Tuy nhiên, xã hội hóa y tế công như con dao 2 lưỡi đã dẫn đến nhiều mặt trái, trở thành một yếu tố gây ra tiêu cực ở các bệnh viện công, dẫn đến những câu kết của một số lãnh đạo cơ sở y tế với nhà đầu tư tư nhân để thu lợi bất chính, làm cho người bệnh phải chi trả nhiều hơn giá trị thực tế.
Vấn đề lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng kỹ thuật, lạm dụng thuốc để thu lời từ khoản đầu tư “xã hội hoá” này cũng đang khá phổ biến và làm méo mó quy trình chẩn đoán, điều trị, đồng thời cũng gia tăng nguy cơ sự cố y khoa. Công việc quá tải, đời sống eo hẹp với mức lương và phụ cấp thấp nhất so với các ngành nghề cộng thêm sự lỏng lẻo của các cơ chế “xã hội hoá” đã đẩy các thày thuốc trở thành đồng phạm. Họ có 1 chút tiền nhỏ để mưu sinh nhưng một khoản lợi nhuận lớn hơn nhiều thì rơi vào túi của các cấp quản lý và nhà đầu tư.
Vì vậy, cần xác định hiệu quả điều trị là quan trọng nhất và nó cần được coi là một nguyên tắc bao trùm toàn bộ chứ không chỉ là một khẩu hiệu. Các vấn đề về đấu thầu thuốc, trang thiết bị và cả việc chi trả của bảo hiểm xã hội cũng cần được coi là giải pháp để phục vụ việc đạt được chất lượng điều trị tối ưu (có cân nhắc về giá thành), nhưng không thể vì bất cứ lý do gì trói tay hoặc đẩy thày thuốc vào việc sử dụng các sản phẩm và giải pháp kém chất lượng.
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, để giảm tai biến, ngành y cần phải tiến hành thu thập thông tin về các sai sót y tế một cách khách quan. Sau đó phân tích, đánh giá đúng các nguyên nhân, để rồi tổ chức học tập, rút kinh nghiệm cho toàn hệ thống. Ông đánh giá như thế nào về kiến nghị này?
Đúng là để giảm thiểu lỗi hệ thống cần công khai và minh bạch các sự cố y khoa theo quy định.
Trên thực tế đây là một điều dễ nói nhưng khó làm vì sự ngần ngại liên quan đến uy tín cá nhân và cơ sở y tế. Tuy nhiên, chúng tôi xin nhấn mạnh việc công bố những sai sót y khoa là nghĩa vụ và đạo đức của thầy thuốc và nhân viên y tế trên toàn cầu. Đây cũng là cơ sở để rút kinh nghiệm để chỉnh sửa lỗi hệ thống trong khám và điều trị nhằm đảm bảo an toàn người bệnh và giúp người thầy thuốc tránh được các sự cố y khoa sau này.
Xin cảm ơn ông!