Các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Bạch Mai tham gia hội chẩn ca bệnh tai biến lọc máu. Ảnh: Vũ Hà/TTXVN. |
Kiểm soát năng lực của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
“Nghe thông tin nêu trên chúng tôi rất choáng, thấy sợ và không hiểu sao lại có chất cực độc Flouride trong hệ thống nước chạy thận nhân tạo RO. Flouride vốn là hóa chất không được dùng trong y tế, nhất là trong chạy thận nhân tạo. Với hàm lượng Flouride cao gấp 260 lần cho phép, hóa chất tồn dư này chính là nguyên nhân gây ra cái chết của 8 bệnh nhân thận chạy nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình”, TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ngày 4/7.
Điểm lại quy trình chạy thận nhân tạo, TS Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, việc BS Hoàng Công Lương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, báo cáo lên Phòng Vật tư Bệnh viện để đơn vị này báo cáo Ban Giám đốc về việc tiến hành vệ sinh hệ thống lọc nước chạy thận nhân tạo RO là hợp lý, đúng trách nhiệm.
Trên cơ sở đó, Ban Giám đốc Bệnh viện sẽ quyết định, ký hợp đồng và chịu trách nhiệm về khả năng của đơn vị sẽ thực hiện việc vệ sinh hệ thống nước.
Sau ký kết, cán bộ Phòng Vật tư sẽ có trách nhiệm giám sát toàn bộ quá trình vệ sinh hệ thống nước RO, từ lúc nhận đến khi kết thúc việc vệ sinh đều có bàn giao giữa những người được giao trách nhiệm.
Sáng hôm sau, nhân viên của đơn vị thận nhân tạo sẽ có trách nhiệm bật máy nước để quan sát thông số: Lưu lượng, áp lực... Nếu các thông số này đảm bảo thì nhân viên trực sẽ bật máy. Lúc này, máy chạy thận lại test 7 thông số (nhiệt độ, lưu lượng, độ sạch…) và khi máy báo đèn xanh, tức là an toàn thì cũng là lúc bác sĩ khám bệnh và cho chỉ định chạy thận như bình thường.
“Nhân viên y tế, bác sĩ không thể thử được nước tồn dư, máy chạy thận cũng không nhận biết được các hóa chất có trong hệ thống lọc nước. Vấn đề ở đây là khâu kiểm soát, để lọt Flouride là hóa chất cấm kỵ không được sử dụng trong y học. Nếu không có Flouride thì sẽ không xảy ra sự cố khiến 8 bệnh nhân thận tử vong”, TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Theo TS Dũng, trong quá trình vệ sinh hệ thống lọc nước RO, cũng không được dùng Flouride, mà phải dùng 3 hóa chất khác theo đúng hướng dẫn của quốc tế.
GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cũng khẳng định, Flouride là hóa chất cực độc, vốn dùng làm chất tẩy rửa trong công nghiệp. Tuy nhiên, xét nghiệm cho thấy hàm lượng Flouride trong hệ thống nước chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cao gấp 260 lần cho phép. Thậm chí, sau 2 tuần xét nghiệm lại thì hàm lượng chất độc trong nguồn nước RO vẫn ở mức gây chết người. Vậy nên đây thực sự là sự cố y khoa ngoài mong muốn, ngoài suy nghĩ và khả năng của các y, bác sĩ.
Lý giải vì sao vệ sinh hệ thống RO làm vệ sinh chưa được xét nghiệm, mà đã có chỉ định chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân, TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết: Đó là 2 hoạt động hoàn toàn độc lập. Theo định kỳ, các cơ sở chạy thận nhân tạo sẽ làm xét nghiệm vi sinh, độc tố, lý hóa. Nhưng để đảm bảo chất lượng nước trong quá trình lọc thận rất quá tải đến 4 – 5 ca/một ngày, các đơn vị chạy thận nhân tạo còn cần phải đề xuất thực hiện vệ sinh hệ thống nước RO. Sau vệ sinh, sẽ tiến hành xét nghiệm hóa chất tồn dư. Tuy nhiên, phải mất hơn 10 ngày thì mới có kết quả xét nghiệm này.
Nghi ngờ hóa chất kém chất lượng
“Tôi nghi ngờ rằng trong chất đóng cặn màng RO có Silic - một chất rất khó rửa; trong khi, Flouride lại có khả năng đánh cặn Silic cực tốt, nhỏ vào bình thủy tinh còn gây thủng, nhưng những người làm công tác vệ sinh hệ thống RO lại không hiểu đó là chất cực độc. Có thể họ đã mua hóa chất tẩy rửa không đảm bảo chất lượng, nên đã gây ra hệ lụy không chỉ cho 8 bệnh nhân ở Hòa Bình và thân nhân người bệnh”, TS Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ.
Rút ra bài học từ sự cố y khoa nghiêm trọng tại Hòa Bình, TS Nguyễn Hữu Dũng khẳng định: Khâu kiểm soát rất quan trọng, Bệnh viện có thể thuê các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động liên quan sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, cụ thể ở đây là vệ sinh hệ thống lọc nước RO. Tuy nhiên, cần kiểm soát được khả năng của doanh nghiệp và nhân viên thực hiện, đồng thời phải kiểm tra nguồn gốc hóa chất, đặc biệt xem hóa chất đó có được phép sử dụng trong y tế hay không...
“Việc ký giấy tờ, bàn giao thường chỉ là hoàn thành thủ tục về mặt hành chính, không có ý nghĩa về mặt lâm sàng. Đó là chưa nói đến chuyện, hiện đã có nhiều hàng giả, nếu cơ sở y tế không chú ý, nhập hàng giả (như màng lọc) vào sử dụng, sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Do đó, các cơ sở y tế cần chú ý làm tốt khâu kiểm soát này”, TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Gia Bình cũng chia sẻ, sau khi các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình trao đổi với Bệnh viện Bạch Mai, các chuyên gia đều chung nhận định chất độc trong nguồn nước gây ra ngộ độc với 18 bệnh nhân không phải bình thường. Do đó, các bác sĩ Hòa Bình đã chuyển ngay 10 bệnh nhân ngộ độc sang Bệnh viện thành phố Hòa Bình, nhằm thải chất độc liên quan đến nguồn nước. Cho dù lúc đó, chưa ai biết cụ thể là chất độc gì, còn 8 bệnh nhân đã tử vong là do chất độc Flouride đã ngấm vào người nên không thể cứu chữa.
“Tôi đánh giá rất cao tinh thần làm việc của các đồng nghiệp Hòa Bình, dù thời điểm ấy các bạn rất áp lực, thậm chí vừa làm vừa khóc nhưng họ vẫn cố gắng để cứu chữa bệnh nhân. Vậy nên, chúng tôi rất mong cơ quan công an điều tra xử lý đúng người đúng tội, để cán bộ, nhân viên y tế trong toàn ngành yên tâm công tác, đồng thời cũng là bài học giúp ngành y hạn chế được sai sót trong quá trình điều trị cho người bệnh”, GS.TS Nguyễn Gia Bình nhấn mạnh.