Tiếp tục đưa Đề án 1816 về với y tế cơ sở

Đề án 1816 sau 10 năm thực hiện đã đem lại những hiệu quả to lớn cho y tế các địa phương.

Phóng viên báo Tin tức đã trao đổi với PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, về những hiệu quả mà Đề án 1816 đã đem lại.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế.

Sau 10 năm thực hiện, ông đánh giá như thế nào về Đề án 1816 trong giảm tải bệnh viện, nâng cao hiệu quả cho cơ sở y tế tuyến xã, huyện?


Qua 10 năm thực hiện, Đề án 1816 đã đạt 3 mục tiêu đặt ra gồm: Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế; Giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương; Chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới.


Theo báo cáo của 12 bệnh viện trung ương đã có hơn 800 kỹ thuật được chuyển giao, hầu hết các kỹ thuật bệnh viện tuyến dưới đã làm chủ được và thực hiện tốt sau khi nhận chuyển giao. Các bệnh viện trung ương đã tổ chức gần 15.500 lớp tập huấn, đào tạo cho bệnh viện tuyến dưới trên 32.000 học viên. Các bệnh viện thực hiện xuất sắc hoạt động này như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Phụ sản Trung ương…


Cán bộ đi luân phiên của các bệnh viện trung ương đã khám và điều trị cho hơn 500.000 lượt người bệnh, trực tiếp thực hiện trên 61.000 ca phẫu thuật, cứu sống nhiều trường hợp người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo, góp phần làm giảm tỷ lệ chuyển tuyến của các bệnh viện tuyến dưới.


Thực hiện Đề án 1816 đã góp phần giảm tải từ xa cho bệnh viện tuyến trên nhất là Bệnh viện tuyến Trung ương. Hầu hết các kỹ thuật bệnh viện tuyến Trung ương chuyển giao đều được bệnh viện tuyến dưới thực hiện thường quy và thực hiện tốt nêm người dân không phải lên tuyến trên, làm giảm tỷ lệ chuyển lên tuyến trên.


Ngoài ra, cán bộ y tế đi luân phiên/đào tạo, chuyển giao kỹ thuật đã hướng dẫn và đưa vào sử dụng các máy móc, trang thiết bị y tế đắt tiền đã được trang bị nhưng chưa được đưa vào sử dụng tại một số cơ sở y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và giảm lãng phí cho các cơ sở y tế. Thông qua hoạt động thực tiễn tại tuyến dưới cán bộ đi luân phiên học tập thêm những kiến thức về chuyên môn cũng như quản lý của các đơn vị tuyến dưới, nâng cao tinh thần trách nhiệm và tính độc lập tự chủ cho cán bộ đi luân phiên.


Theo ông, điều gì đã giúp Đề án 1816 có thể duy trì và phát triển trong 10 năm qua?


Ngoài những lợi ích kể trên phải kể đến là chúng ta đã luật hóa được việc các cán bộ y tế từ tuyến trên phải đi xuống tuyến dưới qua Quyết định số 14 của Thủ tướng: Trong đời làm việc của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh( bác sĩ, điều dưỡng…) đều phải đi xuống cơ sở từ 6 tháng đến 1 năm, quyền lợi của họ vẫn được đảm bảo. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để duy trì hoạt động này.


Bên cạnh đó, các bệnh viện tuyến dưới thực sự đã thấy được nhu cầu, sự cần thiết và có thấy hiệu quả của bệnh viện tuyến trên giúp tuyến dưới khi còn thiếu điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất. Trong khi đó, các bệnh viện tuyến trên đã rất sẵn sàng về các điều kiện của mình để gíup các bệnh viện tuyến dưới. Vừa qua, ngành y tế đã đẩy mạnh việc tuyến tỉnh về giúp tuyến huyện, và các bệnh viện tuyến huyện đã bắt đầu thực hiện quyết định về y tế cơ sở liên thông bác sĩ tuyến xã - huyện. Đây là bước chuyển khá quan trọng và rất tích cực mà chúng tôi cho rằng cầntiếp tục đẩy mạnh và nhân rộng trong thời gian tới.

Là một bệnh viện đầu ngành về ngoại khoa, Bệnh viện Việt Đức đã hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho hơn 100 bệnh viện tuyến dưới.

Những kỹ thuật nào đã được chuyển giao theo Đề án 1816? Sắp tới, Đề án 1816 có những thay đổi gì để phù hợp với tình hình mới, thưa ông?


Các lĩnh vực chuyên môn đã triển khai thực hiện chuyển giao kỹ thuật ở 26 chuyên ngành gồm: nội, ngoại, sản nhi, hồi sức tích cực, gây mê hồi sức… Trong những hoạt động này, các cán bộ y tế tuyến trên không chỉ thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao những kỹ thuật cơ bản mà còn chuyển giao những kỹ thuật cao, khó như: Mổ tim mở, can thiệp tim mạch, các kỹ thuật ung thư, mổ nội soi, thụ tinh ống nghiệm…


Còn nhóm kỹ thuật chuyên khoa lẻ như mắt, tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt, mổ nội soi các bệnh thông thường gần như đa số được bệnh viện tuyến trên chuyển giao cho tuyến tỉnh,và đặc biệt là tỉnh chuyển giao cho huyện.


Ngoài các chuyên ngành trên, một số bệnh viện còn cử cán bộ xuống hỗ trợ đào tạo về quản lý bệnh viện, sửa chữa trang thiết bị, xét nghiệm…


Sắp tới chúng tôi chủ trương đưa các bệnh lý mãn tính không lây nhiễm như tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường, một số bệnh ung thư ở giai đoạn chăm sóc giảm nhẹ về cơ sở, trạm y tế xã. Chúng tôi đã xây dựng mô hình điểm ở một số nơi ở phía Bắc, miền Trung. Các bác sỹ bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện Lão khoa, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Tim Hà Nội… đang đào tạo và hỗ trợ chuyên môn cho các cán bộ y tế cơ sở về quản lý sức khoẻ toàn dân, quản lý, chăm sóc sức khoẻ ban đầu của người dân theo nguyên lý y học gia đình tại một số tỉnh như Phú Thọ, Hải Dương, Nghệ An... Các tiền sử của người dân từ khi lọt lòng mẹ, được quan tâm, ghi lại qua quản lý trong hồ sơ sức khoẻ, và những bệnh đó được cập nhật, kể cả những bệnh người cao tuổi, bệnh mãn tính nặng. Bài học của chuyển giao kỹ thuật qua Đề án 1816, Bệnh viện vệ tinh sẽ được áp dụng trong mô hình này.


Xin cảm ơn ông!


Bài, ảnh: Lê Hoàng
Đề án 1816 phát huy hiệu quả trong ngành y tế Phú Thọ

Sau gần 3 năm thực hiện luân phiên cán bộ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới khám, chữa bệnh theo Đề án 1816 của Bộ Y tế, đông đảo người dân tỉnh Phú Thọ, nhất là những người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đã có điều kiện được tiếp cận với các kỹ thuật y học tiên tiến...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN