Anh Nguyễn Minh Tuấn (ở Thanh Xuân, Hà Nội) đã dùng thuốc lá điện tử gần 2 năm nay. Trước đây anh nghiện thuốc lá điếu, biết là thuốc lá có hại cho phổi nhưng đã nghiện rất khó bỏ nên anh đã tìm hiểu và chuyển sang dùng thuốc lá điện tử với mục đích cai nghiện thuốc lá điếu.
Anh Tuấn cho biết: “Khi chuyển sang dùng thuốc lá điện tử tôi thấy cảm giác “ngon” hơn, hút dễ chịu, “êm” hơn”. Anh Tuấn cũng thừa nhận từ khi chuyển sang dùng thuốc lá điện tử thì anh lại nghiện loại này.
Anh Nguyễn Sĩ Lương (ở Hà Đông, Hà Nội) cũng là người nghiện thuốc lá và hút rất nhiều. Trước đây khi dùng thuốc lá điếu, mỗi ngày anh phải hút tới hơn 1 bao thuốc. Vì nghiện thuốc lá đã lâu năm, sợ ảnh hưởng tới phổi, anh cũng mới chuyển sang dùng thuốc lá điện tử, nhưng rồi giờ lại bị "phụ thuộc" vào thuốc lá điện tử.
Theo các chuyên gia, thuốc lá điện tử thực chất là một loại thiết bị làm bay hơi; thay vì đốt cháy lá thuốc lá, thiết bị này đốt nóng chất lỏng, chất lỏng sẽ biến thành hơi và được hít vào.
PGS.TS Phan Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Nghiện thuốc lá được cấu thành bởi 3 yếu tố: Nghiện thực thể, nghiện thói quen, hành vi và nghiện tâm lý. Việc sử dụng thuốc lá điện tử không giải quyết được vấn đề nghiện thành thói quen hành vi và nghiện tâm lý. Trong tinh dầu của thuốc lá điện tử vẫn có lượng nicotine (chất gây nghiện) nhất định. Bởi vậy, khi sử dụng thuốc lá điện tử nếu không có sự kiểm soát, sẽ không cai được thuốc lá và vẫn phụ thuộc vào nicontine.
Hơn nữa, khi nhu cầu của cơ thể người nghiện thuốc ngày càng tăng lên, nồng độ nicotine trong thuốc lá điện tử không đáp ứng được thì có thể người hút sẽ quay trở lại với thói quen hút thuốc lá đốt thông thường.
Cũng theo BS. Phương, hiện nay rất ít người biết đến thành phần có trong tinh dầu thuốc lá điện tử. Một số chất có thể gây bệnh cho người sử dụng. Đơn cử như các nghiên cứu đã tìm thấy chất Propylene Glycol (thường được dùng trong các máy tạo khói hoặc sương mù nhân tạo trên sân khấu) có thể gây kích ứng phổi và mắt, gây hại cho những người bị bệnh phổi mạn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản; hay chất Diethylene Glycol (một hóa chất độc hại được sử dụng trong chất chống đông),
Bên cạnh đó, khi hút thuốc lá điện tử, tinh dầu được làm nóng và bay hơi sẽ sinh ra một số hóa chất độc hại như: Formaldehyde, acetaldehyde là chất có thể gây ung thư; Acrolein có thể gây tổn thương phổi và góp phần gây bệnh tim mạch.
Đó là chưa kể, tinh dầu sử dụng trong thuốc lá điện tử có rất nhiều chủng loại, xuất xứ khác nhau và có cả những người pha trộn nhiều loại với nhau để sử dụng. Thậm chí các nghiên cứu trên thế giới còn tìm thấy cả các kim loại nặng, độc hại trong hơi khói của thuốc lá điện tử như: Thiếc, chì, thủy ngân…
Đặc biệt, theo các chuyên gia, việc hút thuốc lá điện tử không chỉ gây hại cho chính người hút thuốc, mà những người thụ động hít phải khỏi của thuốc lá điện tử cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi khói của thuốc lá điện tử vẫn chứa rất nhiều chất hóa học có hại cho người hít phải.