Bên cạnh việc tăng cường, đầu tư cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, lồng ghép chăm sóc y tế với chăm sóc xã hội cho người cao tuổi, việc xây dựng môi trường thân thiện để đảm bảo chăm sóc toàn diện sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cao tuổi cũng rất quan trọng.
Xây dựng môi trường thân thiện
Môi trường thân thiện với người cao tuổi bao gồm cả thiết kế cơ sở hạ tầng và nhà ở phù hợp; tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thể chất và xã hội của người cao tuổi như vui chơi, thăm bạn bè, hàng xóm, tiếp cận không gian công cộng bên ngoài và hệ thống giao thông công cộng. Người cao tuổi có thể tự đi lại theo sở thích mà không có nguy cơ bị tổn thương. Để đạt được điều này, cơ sở hạ tầng phải được thiết kế theo nhu cầu của người cao tuổi - chẳng hạn như lối đi được lát đá không trơn, đủ ánh sáng trên đường phố và lắp thang máy thay vì đi cầu thang bộ...
Trước những thách thức của quá trình già hóa dân số ở nước ta hiện nay, mục tiêu của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 vừa được Chính phủ ban hành nêu rõ: Ít nhất 50% số xã phường đạt chỉ tiêu môi trường thân thiện với người cao tuổi. Khoảng 70% người cao tuổi trực tiếp sản xuất kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo có nhu cầu hỗ trợ được hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn dạy nghề và việc làm cho người cao tuổi, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn và phát triển sản xuất. 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe khám, chữa bệnh chăm sóc tại gia đình cộng đồng, cơ sở tập trung...
Để đạt được những mục tiêu trên, theo ông Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) thì cần xây dựng hệ thống lão khoa trên toàn quốc nhằm bắt kịp sự biến đổi nhân khẩu học và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn của người cao tuổi. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vay vốn của người cao tuổi để người cao tuổi đầu tư sản xuất, kinh doanh, đồng thời xem xét lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu (nam 62, nữ 60) đã được Quốc hội thông qua nhằm phát huy vai trò của người cao tuổi nhất là người cao tuổi có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, năng lực quản lý tốt.
Bởi lẽ, tuy đã bước vào độ tuổi được nghỉ hưu nhưng nhiều người cao tuổi vẫn chưa ngừng hoạt động, cống hiến cho xã hội. Ở địa bàn dân cư, đóng góp của người cao tuổi khá đa dạng. Lòng nhiệt tình, ý thức trách nhiệm cao kết hợp với kinh nghiệm hoạt động, kỹ năng làm việc được rèn luyện, tích lũy qua nhiều năm công tác trở thành nguồn lực giúp đỡ đội ngũ này luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức trách được giao và được nhân dân tín nhiệm.
Vui khỏe, có ích là phương châm sống đồng thời cũng là mong muốn của người cao tuổi. Trong các hoạt động chăm lo đối với người cao tuổi, phương pháp tốt nhất là các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi thể hiện, phát huy được vai trò của mình trong cộng đồng cũng như mỗi gia đình.
Bên cạnh đó, hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cũng cần được tiến hành toàn diện. Để làm được điều này, không chỉ ngành dân số mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các bộ, ngành đoàn thể, địa phương nhằm thích ứng với một xã hội già hóa dân số, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe, tạo môi trường thân thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
Chủ động chuẩn bị cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ
Mỗi con người đều phải già đi theo thời gian, vì vậy các chuyên gia cho rằng, chuẩn bị cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ là rất hữu ích để có cuộc sống tốt hơn khi về già, giảm được những gánh nặng phát sinh do chưa chuẩn bị khi cao tuổi. Các vấn đề chính mà người cao tuổi phải đối mặt đã được xác định bao gồm: Tài chính không được đảm bảo; sức khỏe kém dần; thiếu chỗ ở thích hợp; đi lại hạn chế hơn và tăng sự phụ thuộc vào người khác. Các vấn đề này hoàn toàn có thể khắc phục được nếu mỗi người biết xây dựng các kế hoạch và chuẩn bị, tích lũy cho bản thân ngay từ khi còn trẻ.
Thực tế cho thấy không phải người cao tuổi nào cũng có tích lũy cho bản thân. Không ít người cao tuổi sau khi chia hết tài sản cho con đã mất vị thế ngay trong gia đình mình. Thêm vào đó, nhiều người cao tuổi không có nhận thức đầy đủ về tình trạng bệnh tật, thường tự đoán bệnh và chữa trị theo thói quen, kinh nghiệm dân gian. Rất nhiều người không có biện pháp phòng ngừa và chữa bệnh kịp thời từ khi còn trẻ, dẫn đến bệnh về già càng nặng, càng khó chữa khỏi và chi phí rất tốn kém…
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Lương Quang Đảng chia sẻ, Liên hợp quốc đã đưa ra một cách tiếp cận là cách tiếp cận theo vòng đời. Theo đó, để già hóa chủ động và khỏe mạnh, bản thân người trẻ cần phải có sự chuẩn bị cho tương lai già của mình. Khi còn trẻ cần chăm lo học tập, nâng cao trình độ để có một cơ hội việc làm tốt hơn. Khi có cơ hội việc làm tốt hơn thì sẽ có thu nhập tốt hơn. Có thu nhập tốt hơn thì cần có tích lũy kinh tế tốt để có điều kiện lo cho tuổi già tốt hơn.
Bên cạnh đó, thói quen và lối sống có hại khi tuổi còn trẻ sẽ đưa đến tuổi già không khỏe mạnh. Do đó, một lối sống lành mạnh bao gồm chế độ ăn, uống, dinh dưỡng phù hợp, tập thể dục đều đặn, khám sức khỏe định kỳ, tập trung phòng bệnh từ khi còn trẻ có thể góp phần và duy trì cuộc sống khỏe mạnh hơn khi ở tuổi già.
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam: Ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, vấn đề già hóa dân số còn là một hiện tượng tương đối mới, chưa được chú ý nhiều. Hiện nay, Việt Nam vẫn đang có cơ cấu dân số vàng với lực lượng lao động trẻ dồi dào và đây có thể là cơ hội tốt để tận dụng cơ cấu dân số vàng để chuẩn bị cho dân số già trong tương lai. Những người trẻ tuổi nên được chuẩn bị về thể chất, tinh thần và tài chính cho cuộc sống ở tuổi già để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuẩn bị giải quyết các vấn đề liên quan đến già hóa dân số.
Khi bước vào giai đoạn dân số già, tỷ lệ người được chuẩn bị cho tuổi già càng lớn thì nhu cầu cần sự can thiệp và hỗ trợ từ Chính phủ sẽ càng giảm. Lực lượng lao động được đào tạo tốt có thể tìm được các công việc có thu nhập cao và dự báo tương lai tươi sáng đối với những người này khi trở thành người cao tuổi.
Ngoài ra, khi trở thành người cao tuổi, nếu còn sức khỏe, trí tuệ và có kinh nghiệm thì cần tiếp tục tham gia các hoạt động kinh tế xã hội, nghề nghiệp phù hợp với lứa tuổi. Người cao tuổi cũng cần nêu cao tinh thần tự phục vụ. Tất cả những điều này làm cho người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích; giảm gánh nặng cho nền kinh tế; góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.