Tọa đàm nhằm kêu gọi xã hội có một cách nhìn nhận tích cực hơn về người cao tuổi, biến thách thức của già hóa dân số thành cơ hội và điều đó thể hiện rõ trong chủ đề ngày Quốc tế Người cao tuổi năm 2018 “Tôn vinh gương sáng người cao tuổi trong đấu tranh bảo vệ quyền con người”.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi Việt Nam nhấn mạnh: “Tuổi thọ cao là một thành quả của sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, chứ không phải là gánh nặng của xã hội hay của nền kinh tế. Nhân Ngày Quốc tế Người cao tuổi, chúng ta hãy cam kết đảm bảo cho cuộc sống mạnh khỏe và hạnh phúc của người cao tuổi và tạo điều kiện cho sự tham gia có ý nghĩa của họ trong xã hội để tận dụng được những kinh nghiệm và kiến thức quý báu của người cao tuổi".
Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho rằng, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn "già hóa dân số" từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Vì thế, Việt Nam cần có các chính sách và chiến lược chuẩn bị cho già hóa dân số một cách phù hợp trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến người cao tuổi nhằm chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi qua từng giai đoạn phát triển đất nước, kể cả giai đoạn khó khăn nhất.
Nhiều chính sách cho người cao tuổi được cụ thể hóa bằng các luật, nghị định, quyết định, thông tư, Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020, Tháng hành động về người cao tuổi…
Cho rằng, già hóa là một tất yếu của sự phát triển, bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam chia sẻ, vì hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, nên thông điệp "Không ai bị bỏ lại phía sau" có nghĩa phải tạo cơ hội cho những đóng góp của người cao tuổi.
Quyền của người cao tuổi cần được thúc đẩy hơn nữa và đảm bảo người cao tuổi được tham gia một cách đầy đủ để có thể xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người ở các lứa tuổi khác nhau.
Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia tổ chức HelpAge International tại Việt Nam cho biết: “Đã đến lúc chúng ta phải hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt phân biệt tuổi tác, đặc biệt xóa bỏ suy nghĩ cho rằng, người cao tuổi là gánh nặng, thụ động và phụ thuộc, bởi điều đó hoàn toàn trái với những gì chúng ta đang nhìn thấy hàng ngày. Phân biệt tuổi tác chính là một trong những nguyên nhân gốc rễ cản trở già hóa tích cực, cản trở việc đạt các Mục tiêu Phát triển bền vững”.
Theo dự báo của Tổng cục thống kê, đến năm 2038, ở Việt Nam, dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số. Cũng theo dự báo này, từ năm 2038, dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm và sự biến động dân số này sẽ tác động bất lợi tới phát triển kinh tế-xã hội, nếu không có chính sách phù hợp.
Chính vì vậy Việt Nam cần có các can thiệp chính sách kịp thời để duy trì cơ cấu dân số hợp lý. Bên cạnh đó, xu hướng nữ hóa dân số cao tuổi cũng diễn ra ở tất cả quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, đòi hỏi các chính sách, chương trình thích ứng với già hóa dân số đều phải tính đến yếu tố giới và nhu cầu khác biệt về giới trong dân số cao tuổi.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình nhấn mạnh: "Thời kỳ già hóa đem lại những tiềm năng bao gồm cơ hội đầu tư, tăng cường chất lượng lao động và kiến thức, đem lại các lợi ích kinh tế.
Nhưng đồng thời, cũng đặt ra những thách thức to lớn đòi hỏi phải có những phương thức tiếp cận mới trong chăm sóc sức khỏe, tuổi nghỉ hưu, lương hưu, tăng cường sự tương tác trong xã hội và mối quan hệ liên thế hệ.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm cho rằng, thích ứng với già hoá dân số cần được coi là một vấn đề ưu tiên và đòi hỏi phải có các biện pháp kịp thời để chuẩn bị cho xã hội già trong tương lai không xa.
Vấn đề người cao tuổi liên quan chặt chẽ tới 15/17 Mục tiêu Phát triển bền vững, do đó cần lồng ghép vấn đề này trong các chính sách, chỉ tiêu Phát triển bền vững ở Việt Nam. Chính phủ cần ban hành, định hướng chiến lược tổng thể thích ứng với già hóa dân số, xây dựng chương trình hành động về già hoá dân số cho giai đoạn 2021-2030.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện, rà soát và điều chỉnh nếu cần thiết các pháp luật, chính sách liên quan đến người cao tuổi như Luật Người cao tuổi, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bình đẳng Giới, Pháp lệnh Dân số để bảo đảm giải quyết tốt hơn các vấn đề về người cao tuổi, cũng như có quy mô dân số hợp lý, hạn chế sự gia tăng tốc độ già hoá dân số…
Tham gia tại Tọa đàm, đại diện cho người cao tuổi và người trẻ tuổi đã có những trao đổi thú vị và khẳng định rằng, tuổi tác chỉ là những con số mà thôi, người cao tuổi và người trẻ tuổi đều có những giá trị như nhau trong cuộc sống.
Bất chấp tuổi tác, phần lớn người cao tuổi vẫn tràn đầy nhiệt huyết, năng động, tích cực và mong muốn vẫn tiếp tục được đóng góp một cách ý nghĩa cho gia đình, cộng đồng và xã hội.