Theo chân những 'chiến binh áo trắng' săn lùng virus SARS-CoV-2

Từ khi đợt dịch COVID-19 mới bùng phát, các đội phản ứng nhanh phòng dịch COVID-19 đã luôn chủ động làm việc bất kể ngày đêm, truy vết ca bệnh, lấy mẫu sàng lọc, với mục tiêu duy nhất sớm phát hiện các trường hợp lây nhiễm vius, mang lại sự an toàn cho cộng đồng.

Chú thích ảnh
Khai thác dịch tễ tại buổi lấy mẫu xét nghiệm cho người về từ Đà Nẵng tại xã Tam Hiệp, Phúc Thọ (Hà Nội). 

Truy vết nhanh, khoanh vùng gọn

Theo chân đội phản ứng nhanh phòng dịch COVID-19 của Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ (Hà Nội) trong một buổi lấy mẫu xét nghiệm PCR cho người dân từ Đà Nẵng về, dưới cái nắng oi nồng của buổi sáng sau mưa, từ 7 giờ, cả đội đã sẵn sàng bố trí khu vực Trường THCS xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) thành nơi lấy mẫu xét nghiệm.

Những nhân viên y tế trong bộ bảo hộ kín mít, không nhìn rõ mặt, nhưng sự nghiêm túc toát lên từ tác phong làm việc nhanh nhẹn, phân loại các khâu, từ hướng dẫn người dân xếp hàng, khai thác tiền sử dịch tễ từng người, đến khi hoàn thành lấy mẫu.

Chỉ đạo công việc tại điểm lấy mẫu từ sớm, ông Trịnh Thế Hưng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Phúc Thọ nhễ nhại mồ hôi, vừa hướng dẫn chuyên môn, phân công các kíp làm việc, vừa trực tiếp trao đổi, hướng dẫn người dân đăng ký, xếp hàng đúng quy định.

Chú thích ảnh
Trong đợt dịch mới, các đội phản ứng nhanh hoạt động 24/24 giờ.

“Bên cạnh các hoạt động truy vết, khoanh vùng, cách ly ca bệnh, theo chỉ đạo của TP Hà Nội, huyện Phúc Thọ đã rà soát tổng cộng 623 người đi từ Đà Nẵng về từ ngày 15/7, các trường hợp này được lấy mẫu xét nghiệm PCR. Ngoài chuẩn bị nhân lực, vật lực lấy mẫu xét nghiệm, trung tâm phải bố trí rà soát những người đã được lên danh sách, lấy số liệu từ trước; xét nghiệm theo hình thức ai về sau được lấy trước vì họ có nguy cơ cao hơn, có sinh phẩm đến đâu lùi dần đến đó”, ông Nguyễn Thế Hưng cho biết.

Với vai trò “thủ lĩnh” của 5 đội phản ứng nhanh phòng chống dịch, những ngày qua với riêng ông Nguyễn Thế Hưng và trung tâm là những ngày kín đặc lịch làm việc căng thẳng, áp lực, lo lắng... Từ khi huyện Phúc Thọ ghi nhận ca mắc COVID-19, các cán bộ y tế phòng dịch tại trung tâm không còn phân biệt ngày đêm, ở đâu có nguy cơ lây nhiễm là các "chiến binh áo trắng" lại khẩn cấp lên đường.

Chú thích ảnh
Cán bộ y tế phòng dịch làm việc không quản ngày đêm.

Ông Trịnh Thế Hưng vẫn còn nhớ ngày nhận thông báo về ca mắc COVID-19 đầu tiên tại địa phương, ca bệnh số 752. “Lúc đó vào khoảng 3 giờ sáng 7/8, khi tôi đang ở nhà thì nhận được điện thoại từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội gọi báo đã có 1 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 ở thôn 2, xã Vân Phúc (huyện Phúc Thọ). Dù đã sẵn sàng tinh thần phòng dịch, nhưng lúc ấy tôi cũng không tránh khỏi cảm giác lo lắng. Ngay lập tức tôi gọi điện báo cáo với Ban chỉ đạo phòng chống dịch của huyện và xã khẩn trương khoanh vùng, cách ly.  Các cán bộ của Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ và các đội phản ứng nhanh cũng ngay lập tức chuẩn bị tư trang, đến thực địa ngay trong đêm để khoanh vùng cách ly ở bất cứ mức độ nào. Toàn bộ quy trình phòng dịch được kích hoạt”.

Khi đội phản ứng nhanh đến khu vực gia đình có ca bệnh là khoảng 4 giờ sáng, mọi thứ vẫn đang yên ả, cả dãy nhà dân vẫn chìm trong giấc ngủ như có gì xảy ra. Các cán bộ y tế cùng chính quyền địa phương ngay lập tức xem xét thực địa để có phương án khoanh vùng khu vực. Thấy có tiếng động, gia đình người bệnh mới dậy mở cửa và cả đội cùng bắt đầu công việc của mình.

Ông Trịnh Thế Hưng kể: “Sau khi sẵn sàng các phương tiện, đồ bảo hộ, tôi đứng ngoài thông báo tình hình kết quả xét nghiệm dương tính của người bệnh trong gia đình. Dường như đã chuẩn bị tinh thần từ trước, nhưng gia đình người bệnh vẫn có chút hoảng hốt. Chúng tôi vừa phải giúp ổn định tâm lý cho gia đình bệnh nhân, vừa hướng dẫn sắp xếp các thủ tục gọi xe của 115 đưa bệnh nhân tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị, điều tra dịch tễ, phun khử khuẩn tại nhà ở… Các thủ tục được thực hiện chính xác, nhanh gọn, chỉ đến khoảng 5 giờ sáng là bệnh nhân đã được đưa đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, người nhà bệnh nhân cũng được lấy mẫu xét nghiệm và đi cách ly tập trung. Trong quá trình xử lý ca bệnh, đội phản ứng nhanh cũng đồng thời triển khai, giám sát y tế, thông báo cho người dân xung quanh, truy vết những người liên quan...".

“Kể cả trong những tình huống khẩn cấp, đội phản ứng nhanh luôn tuân thủ quy trình chuyên môn phòng dịch. Nhờ vậy, sau ca bệnh đầu tiên, đến nay, địa phương không có ca lây nhiễm nào liên quan đế ca bệnh này”, ông Trịnh Thế Hưng khẳng định.

Luôn xác định không chủ quan và phải liên tục trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, phòng chống dịch như phòng chống giặc là tinh thần của các đội phản ứng nhanh. Tinh thần làm việc ấy đã thể hiện sự vào cuộc đầy trách nhiệm của những “chiến binh áo trắng”, không quản mưa gió ngày đêm, cống hiến hết mình, góp phần đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Bởi vậy, ngay từ khi huyện chưa có ca bệnh trong đợt dịch trước, các cán bộ y tế của Trung tâm Y tế Phúc Thọ cũng đã hăng hái xung phong có mặt tại thôn Hạ Lôi-Mê Linh (Hà Nội) để hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Và những kinh nghiệm tích luỹ được đã giúp họ phản ứng nhanh trong đợt dịch lần này.

Có ngày thay cả chục bộ quần áo bảo hộ

Với những người làm công tác xét nghiệm như kỹ thuật viên Giang Thị Bình, Khoa Xét nghiệm, Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ, mỗi đợt dịch với họ lại là một cuộc chiến mới, công việc đầy nguy cơ vì tiếp xúc rất gần với các ca nghi ngờ, thậm chí không loại trừ trường hợp người được lấy mẫu sẽ là ca bệnh COVID-19.

Chú thích ảnh
Kỹ thuật viên Giang Thị Bình lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. 

Hết ca lấy mẫu xét nghiệm, cởi bộ đồ bảo hộ ra là mướt mát mồ hôi, kỹ thuật viên Giang Thị Bình lại vội vàng đi uống nước, đi vệ sinh, tìm chỗ thoáng mát nghỉ tạm sau những giờ trực dài, phải gác hết mọi nhu cầu cá nhân trong bộ đồ bảo hộ kín mít. “Khát nước không được uống, ngứa không được gãi, khó chịu muôn phần với bộ đồ bảo hộ, nhưng mọi người đều đã quen..." chị Bình chia sẻ.

Kỹ thuật viên Giang Thị Bình cho biết: “Khi có thông tin về các trường hợp cần lấy mẫu, đội phản ứng nhanh sẽ được huy động tập hợp, sẵn sàng thiết bị dụng cụ để lên đường ngay, nhiệm vụ của tôi là đến tận nơi lấy mẫu. Trước khi đi phải liên hệ trước với Trạm y tế cơ sở thông báo cho các hộ gia đình sắp xếp. Đến nơi, các cán bộ y tế điều tra sẽ vào trước lấy lời khai, nhắc gia đình phòng hộ đầy đủ và điều tra thông tin. Các quy trình phải thực hiện nhanh gọn, nhưng đầy đủ, cẩn trọng. Sau khi lấy mẫu phải nhanh chóng tích lạnh bảo quản, mang mẫu đi tập hợp để gửi mẫu đến nơi xét nghiệm”.

“Các thành viên phản ứng nhanh phải đến từng nhà, từng gia đình có liên quan đến ca bệnh lấy mẫu, để an toàn, mỗi nơi, mỗi cán bộ phải thay một bộ đồ bảo hộ khác, công việc này khá mất thời gian nhưng phải thực hiện đúng các thao tác, quy trình mới có thể đảm bảo an toàn. Có những hôm đi cả ngày, làm tại nhiều gia đình, tôi phải thay tới hơn chục bộ bảo hộ. Cả ngày đi lấy mẫu đã đủ “bở hơi tai”, nhưng không phải lấy mẫu xong là hết nhiệm vụ, công việc của các kỹ thuật viên xét nghiệm còn phải khớp mã và mang mẫu đi gửi tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để xét nghiệm. Có những ngày, tôi phải xếp hàng đến nửa đêm mới tới lượt vào gửi mẫu, hết ngày làm việc cũng đã 1-2 giờ sáng hôm sau. Lúc đó mới chợt nhớ ra cả ngày chưa liên lạc với hai đứa con nhỏ đang phải gửi ông bà chăm sóc để mẹ tham gia chống dịch...", chị Bình tâm sự.

Đã có những lúc các "chiến binh áo trắng" cảm thấy cạn kiệt năng lượng, mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi, nhưng nhìn những đồng nghiệp khác vẫn đang cố gắng từng ngày chiến đấu với dịch bệnh, mọi người lại gạt đi những mong muốn cá nhân. Dịch COVID-19 có thể vẫn còn kéo dài, nhưng các chiến bình thầm lặng luôn xác định tinh thần trường kỳ chống dịch, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bất kể giờ giấc...

Bài, ảnh, clip: Tạ Nguyên
Sáng 18/8, Việt Nam có 7 ca mắc mới COVID-19, trong đó 1 ca tại Hà Nội
Sáng 18/8, Việt Nam có 7 ca mắc mới COVID-19, trong đó 1 ca tại Hà Nội

Đến 6 giờ sáng 18/8, Việt Nam ghi nhận thêm 7 ca mắc mới COVID-19; trong đó Quảng Nam có 3 ca, Hải Dương 2 ca, Hà Nội 1 ca và 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Cần Thơ. Như vậy, Việt Nam đã có tổng số 983 ca mắc COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN