Tham vấn và trị liệu tâm lý để giải tỏa những trạng thái tâm lý tiêu cực, đảm bảo sức khỏe tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống là một nhu cầu chính đáng trong cuộc sống hiện đại. Nhìn nhận đúng về vai trò, tác dụng của hoạt động này là điều cần thiết để các hoạt động liên quan đến tham vấn, trị liệu tâm lý phát huy hiệu quả, giúp mỗi cá nhân có giải pháp ứng phó phù hợp, giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh trong đời sống hàng ngày.
Nhu cầu chính đáng
Đề cập về hoạt động tham vấn, trị liệu tâm lý, Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng Khoa Tâm lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) lý giải: Xã hội càng phát triển, con người càng phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần, liên quan đến tâm lý như áp lực, căng thẳng, trầm cảm, rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc... Chính những bất ổn trong đời sống tinh thần là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực, gây tổn thương cho bản thân và những người xung quanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, công việc và chất lượng cuộc sống.
Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp cho rằng, không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ em cũng có thể gặp phải các rối nhiễu tâm lý như mất ngủ, lo âu, trầm cảm, ảnh hưởng đến phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ. Ngoài ra, trẻ có thể gặp một số rối loạn chuyên biệt trong học tập như không tính toán được, không nhớ mặt chữ… Đây là những đối tượng cần được tham vấn, trị liệu tâm lý kịp thời.
Theo một số chuyên gia, tâm lý là một ngành khoa học nghiên cứu và ứng dụng, tìm ra những căn cơ, ngọn nguồn của các hành vi bất thường, rối nhiễu hoặc không phù hợp với chuẩn mực xã hội. Trong hoàn cảnh đó, các chuyên viên tham vấn tâm lý trở thành “bác sĩ tinh thần” - chỗ dựa tin cậy giúp người cần được hỗ trợ có thể đối điện hoặc tháo gỡ khó khăn, giải quyết vấn đề mà họ gặp phải một cách bài bản, khoa học và triệt để nhất.
Với góc nhìn của một nhà trị liệu tâm lý, Bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang, Phòng khám Quốc tế CMI (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Cuộc sống hiện đại khiến con người ngày càng bận rộn, căng thẳng, dễ rơi vào trạng thái lo âu, buồn bã… Tham vấn và trị liệu tâm lý có đặc thù là cung cấp môi trường nói chuyện, chia sẻ cởi mở, trung tính, không phán xét... để người cần được hỗ trợ cảm thấy được giải tỏa một cách tin cậy.
Bác sĩ Giang lấy ví dụ, khi một người gặp biến cố như bị bệnh hiểm nghèo hay mất việc, mất người thân sẽ rất dễ rơi vào tình trạng tinh thần sa sút buông xuôi, chán nản… Nếu được tham vấn và trị liệu tâm lý kịp thời, họ sẽ được giải tỏa về tâm lý, bình tĩnh đối diện với thực tại và tìm giải pháp để vượt qua những biến cố đó.
Theo Bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang, ước tính của Liên Hiệp quốc, đến năm 2030 số người ở các quốc gia đang phát triển sẽ đến sống ở vùng thành thị nhiều hơn là vùng nông thôn. Đến năm 2050, khoảng 2/3 dân số thế giới sẽ sống ở vùng thành thị. Sự thay đổi này sẽ kéo theo những thay đổi về tăng trưởng kinh tế và cũng làm gia tăng cả những vấn đề xã hội… Vì vậy, nhu cầu được tham vấn, điều trị các vấn đề liên quan đến tâm lý sẽ tăng lên. Hiện nay, tại Phòng khám Quốc tế CMI, mỗi năm có khoảng 2.000 người đến tham vấn, trị liệu tâm lý với các vấn đề gặp phải chủ yếu liên quan đến rối loạn thích ứng - hiện tượng dễ xảy ra trong xã hội hiện đại.
Lựa chọn những địa chỉ, chuyên gia tin cậy
Hiện nay, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần, tư vấn, trị liệu tâm lý không còn xa lạ với nhiều người, nhất là ở các đô thị. Nghề tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý ngày càng trở nên "hot” trong xã hội. Tuy nhiên, thực tế đã xuất hiện một số trường tự xưng là những chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp nhưng thực chất lại có trình độ không đảm bảo, chưa được đào tạo bài bản mà mới chỉ qua một vài khóa bồi dưỡng ngắn hạn, dẫn đến việc tham vấn và trị liệu tâm lý cho các đối tượng có nhu cầu không đạt hiệu quả. Tức là người đến để được tham vấn sẽ chẳng những không được giải tỏa, chia sẻ, được tôn trọng, đảm bảo bí mật riêng tư mà có khi lại còn cảm thấy nặng nề hơn về tâm lý.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Tú, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), việc vận hành một trung tâm, phòng chẩn trị tâm lý để đảm bảo cần được sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn cả về khâu tổ chức và đảm bảo đạo đức nghề nghiệp. Nhà tham vấn và trị liệu tâm lý luôn đặc biệt chú ý đến trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, nguyên tắc bảo mật, tôn trọng người có nhu cầu được tham vấn và cũng phải giữ quan hệ đúng mực, khách quan. Những thông tin mà người có nhu cầu hỗ trợ đã chia sẻ chỉ được phép tiết lộ trong một số trường hợp đặc biệt có thể gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc cơ quan bảo vệ pháp luật yêu cầu.
Một số chuyên gia tham vấn, trị liệu tâm lý nhấn mạnh, việc tham vấn, trị liệu là nhằm giúp người có nhu cầu được hỗ trợ hiểu rằng các chuyên gia chỉ là giúp họ tìm ra giải pháp đối diện hay giải quyết vấn đề mà họ gặp phải, tức là hỗ trợ để mỗi người tìm thấy tiềm năng của chính mình nhằm tự giải quyết vấn đề chứ không đưa ra giải pháp áp đặt cứng nhắc.
Bên cạnh đó, mỗi trường hợp được tham vấn, trị liệu tâm lý không chỉ kết thúc sau 1 - 2 giờ trò chuyện, chia sẻ mà có khi đòi hỏi phải kiên trì, mất khá nhiều thời gian, nhiều phương pháp trị liệu khác nhau như trò chuyện, lắng nghe, chia sẻ, liệu pháp liên quan đến âm nhạc, hội họa, trò chơi… Do đó, người có nhu cầu được hỗ trợ, tham vấn và trị liệu về tâm lý hoặc người thân của họ cần lưu ý tìm đến những phòng, trung tâm tham vấn, trị liệu có uy tín, đáng tin cậy để tránh rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang”.