Nhiều báo cáo gần đây đã chỉ ra rằng môi trường kinh doanh Việt Nam đang tốt lên. Là chuyên gia từng có nhiều nghiên cứu về vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, ông nhìn nhận thế nào về sự thay đổi này?
Nhiều yếu tố cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam đang thực sự tốt lên. Nó thể hiện qua cả thông số chủ quan và khách quan. Không chỉ báo cáo về các chỉ tiêu kinh tế xã hội Chính phủ công bố mà các xếp hạng của các tổ chức nước ngoài như WB hay một số tổ chức khác cũng cho thấy điều đó.
Ông Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam. |
Thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt trong một thời gian dài cũng minh chứng cho thấy môi trường kinh doanh đang tốt lên. Thời gian vừa qua thị trường này cũng đã chứng kiến sự trồi sụt, suy giảm, đó là điều tất yếu của thị trường nhưng nếu nhìn trong một thời gian dài (từ năm 2016 đến nay) sẽ thấy được sự phát triển của nó. Khi lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng tốt là điểm tựa để thị trường duy trì xu hướng phát triển.
Các chỉ tiêu cơ bản như chỉ số mua sắm công nghiệp tăng cũng cho thấy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang được cải thiện.
Một vụ việc mới đây thu hút sự quan tâm của dư luận, đó là câu chuyện doanh nghiệp bị kiểm tra rồi làm cho “rùm beng” sau đó lại được “minh oan”. Điều này cho thấy cách làm việc của cơ quan quản lý nhà nước đang có “vấn đề”. Theo ông cần làm gì để giải quyết vấn đề này?
Các cuộc thanh tra, kiểm tra bình thường vốn đã là nỗi lo ngại rất lớn của doanh nghiệp. Sau một số vụ việc như Con Cưng, Cơm Tấm Kiều Giang... vừa qua thì doanh nghiệp lại càng “sợ chết khiếp”. Từ đó dẫn đến hệ luỵ dù doanh nghiệp chưa biết mình đúng sai thế nào thì cũng cố gắng tìm mọi cách để “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Bởi thực tế có nhiều doanh nghiệp sau khi được “minh oan” vẫn phá sản, mất thương hiệu.
Bên cạnh việc xử lý nghiêm những hành vi thanh tra, kiểm tra không đúng mực, gây tổn thất cho doanh nghiệp thì cần đi vào giải quyết nguồn gốc sâu xa của vấn đề này. Đó chính là tạo động cơ để cán bộ làm tốt, làm đúng, chứ nếu chúng ta chỉ xử lý nghiêm vụn vặt mỗi vụ việc đó thì không giải quyết được gốc rễ. Sau đó những vụ việc tương tự vẫn cứ lặp lại.
Có một câu hỏi khiến nhiều người còn trăn trở khi nhìn lại sự phát triển của Việt Nam, đó là vắng bóng sự góp mặt của những doanh nghiệp lớn, xứng tầm khu vực và thế giới. Theo ông, sự dẫn dắt của những doanh nghiệp lớn trong cấu trúc nền kinh tế có quan trọng không? Làm thế nào để Việt Nam có những doanh nghiệp, tập đoàn lớn mang tầm thế giới?
Nhiều quan điểm quá coi trọng việc tập trung vào phát triển doanh nghiệp lớn hay ngược lại cần phải hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. Tôi thì cho rằng không nên phân biệt lớn, nhỏ ở đây. Điều quan trọng vẫn là tạo môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng để mọi doanh nghiệp đều tìm kiếm được cơ hội phát triển. Gặp môi trường thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng… thì doanh nghiệp nhỏ sẽ phát triển lên thành doanh nghiệp lớn một cách tự nhiên.
Thay vì nghĩ cách phát triển hay đề cao vai trò của sự phát triển doanh nghiệp lớn hay nhỏ thì nên tậg trung chính sách phát triển vào ngành có lợi thế. Tập trung ở đây không có nghĩa là tạo ra nhiều ưu đãi, tạo ra nhiều hỗ trợ bằng cách đầu tư trực tiếp cho ngành đó.
Thay vào đó chỉ nên đầu tư một cách gián tiếp thông qua nguồn nhân lực. Điều quan trọng và cốt yếu của sự phát triển vẫn là vấn đề nhân lực. Khi có nguồn nhân lực tốt họ sẽ tự biết phải khai thác các lợi thế và tận dụng mọi thứ thế nào để xã hội tốt lên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giáo dục chính là yếu tố cốt lõi. Khi có nền giáo dục tốt thì mọi thứ sẽ phát triển tốt hơn.
Bấy lâu nay vẫn còn một vấn đề người ta thường nói tới đó là tâm lý “ghét người giàu” và “chuộng hàng ngoại”… Có phải đây cũng là một trong những rào cản với sự phát triển của doanh nghiệp Việt? Làm sao để xoá bỏ được những tâm lý này, thưa ông?
Quả thực những tâm lý nói trên tác động rất tiêu cực đến sự phát triển nói chung. Nhiều người thường cứ thấy người giàu lên thì ghét, không ưa, dè bỉu trong khi chính bản thân họ lại đang mong muốn trở thành người giàu, phấn đấu trở thành người giàu. Một xã hội mà người ta chán ghét chính tương lai và mong muốn của mình thì rất khó phát triển.
Đối với tâm lý “chuộng hàng ngoại” cũng vậy, xuất phát của tâm lý này chính là việc người ta không tin tưởng chính mình. Tâm lý này là lực cản đối với các doanh nghiệp nội.
Vậy làm sao để xoá bỏ? Nếu ai cũng cố gắng học hành, làm việc và phấn đấu tốt thay vì ghen ghét người khác thì xã hội sẽ tự nhiên tốt lên, tâm lý đố kỵ người giàu không còn. Khi một xã hội mà người ta nỗ lực để tốt lên thì mới tạo ra được sự tin tưởng, tâm lý “sính ngoại” mới dần gỡ bỏ.
Việc trân trọng những ngưới có khả năng làm giàu và khuyến khích người dân xóa bỏ tâm lý kỳ thị, ghen ghét người giàu, người giỏi là vô cùng quan trọng. Không một xã hội nào có thể trở nên thịnh vượng khi người giàu hay người giỏi không được tôn trọng.
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!