Ngày 12/9, ngành Y tế Hà Nội phát động cán bộ công chức, viên chức, người lao động tham gia ủng hộ mỗi người ít nhất 1 ngày lương để giúp đỡ người dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, Hà Nội cùng cả nước”. Đồng thời, khuyến khích thủ trưởng các đơn vị, các tổ công đoàn cơ sở, cán bộ viên chức, người lao động có điều kiện đóng góp thêm về tài chính.
Tổng số tiền ủng hộ này sẽ được tổng hợp và đề xuất trao hỗ trợ để chuyển đến giúp đỡ đồng bào các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian nhanh nhất và đúng đối tượng nhất.
Theo Sở Y tế Hà Nội, ngành Y tế Hà Nội cũng đang tăng cường công tác y tế đáp ứng tình hình lụt bão.
Đặc biệt, do mực nước trên sông Hồng đang dâng cao những ngày qua, tại các khu vực phường Phúc Xá (quận Ba Đình), Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) là nơi có nhiều điểm ngập úng. Các cơ sở y tế trong khu vực này đã được bố trí di dời cả người bệnh và một số máy móc thiết bị đến nơi an toàn.
Tại Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai cơ sở 2 (phố Tân Ấp, phường Phúc Xá), toàn bộ khu vực dẫn vào bệnh viện bị ngập sâu, tầng một của bệnh viện có hiện tượng ngập nước. Để đảm bảo an toàn, bệnh viện đã thông tin đến người bệnh, gia đình người bệnh tình hình ngập lụt, bố trí giường bệnh và di chuyển bệnh nhân lên tầng 2 để tiếp tục điều trị. Đồng thời, chủ động các biện pháp bảo vệ tài sản, máy móc, thiết bị, vật tư y tế. Đến nay, công tác khám chữa bệnh của bệnh viện được duy trì nghiêm túc, không có thiệt hại xảy ra.
Từ ngày 11/9, Sở Y tế Hà Nội đã huy động sự hỗ trợ, phối hợp chuyển bệnh nhân điều trị ngoại khoa của Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai cơ sở 2 về Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn; bệnh nhân điều trị thận của bệnh viện về Bệnh viện Thận Hà Nội và chuyển một số bệnh nhân khó khăn trong đi lại, sinh hoạt về Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai cơ sở 1 để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh và nhân viên y tế.
Tại trạm y tế phường Phúc Xá, cơ sở bị ngập sâu trong nước cũng đã được yêu cầu di chuyển các trang thiết bị y tế, tài sản lên vị trí cao hơn, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng đủ cơ số thuốc phòng chống dịch bệnh, phòng chống mưa lũ.
Tại điểm chợ Hàng Bè (phố Vọng Hà, phường Chương Dương), nơi chính quyền địa phương sử dụng giúp người dân tránh trú trong thời gian lũ lụt cũng có cán bộ y tế của Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm và trạm y tế trên địa bàn trực công tác y tế phục vụ người dân.
Theo ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu lực lượng y tế ứng trực điểm tổ chức chăm sóc sức khỏe tốt cho người dân, nhất là những người cao tuổi, người có bệnh nền. Đồng thời, hướng dẫn người dân cách phòng chống bệnh tật trong mùa mưa lũ, phối hợp với các lực lượng chức năng của quận đảm bảo người dân có nước sạch để ăn uống và sinh hoạt, có đủ lương thực, thực phẩm và những vật dụng thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện đảm bảo công tác thường trực 4 cấp; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh mội trường, an toàn thực phẩm tại các khu vực có nguy cơ cao và các khu vực bị ảnh hưởng do mưa lũ.
Các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, vật tư y tế để ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Tập trung cứu chữa người bị thương; khẩn trương khắc phục hậu quả tại các cơ sở y tế, không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người dân.
Các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biên thiên tai, mưa lũ trên địa bàn để chủ động triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Các đơn vị khám chữa bệnh tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới theo phân cấp; lập các nhóm zalo giữa các cấp chuyên môn để hội chẩn hỗ trợ, chẩn đoán, điều trị trong trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch. Với các bệnh nhân nặng cần chuyển tuyến cần chuyển đến cơ sở gần nhất, phù hợp để đảm bảo an toàn.
Sở Y tế Hà Nội cũng phân công cho 4 bệnh viện hạng I là: Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Đức Giang và Bệnh viện Hà Đông hỗ trợ các bệnh viện hạng 2 và các Trung tâm y tế.