Tận dụng da và mỡ thừa ở vùng bụng để tạo hình cho bệnh nhân ung thư vú

Sau khi phẫu thuật, nạo vét hạch, bệnh nhân ung thư vú được lấy chính mỡ thừa và da thừa vùng bụng để tạo hình thành ngực, đảm bảo thẩm mỹ cho người bệnh.

Chú thích ảnh
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân ung thư. Ảnh: BS

Thời gian gần đây, thấy khối u bất thường bên ngực trái, to dần lên, hơi đau, chị N.T.T (29 tuổi, ở Hà Nội) đến Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám thì bất ngờ phát hiện mắc ung thư vú giai đoạn 2. 

Sau khi hội chẩn các chuyên khoa Ung bướu, Giải phẫu bệnh… đặc biệt cùng các chuyên gia Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, bệnh nhân đã được chỉ định sử dụng các phương pháp điều trị tiên tiến nhất hiện nay, từ phẫu thuật đến tạo hình thẩm mỹ và sử dụng các biện pháp điều trị thuốc đích, như liệu pháp điều trị kháng her - 2 bộ đôi. Đặc biệt các bác sĩ đã sử dụng chính mỡ và da thừa vùng bệnh của bệnh nhân để tạo hình bầu ngực, đảm bảo tính thẩm mỹ cho người bệnh. 

Chia sẻ về ca bệnh này, ThS.BS Lê Văn Long, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú, vét hạch nách (khi phẫu thuật tiết kiệm da bảo tồn quầng vú). Sau đó bệnh nhân đã được phẫu thuật tạo hình lại bầu ngực trái bằng vạt DIEP (toàn bộ tổ chức da và mỡ thừa ở vùng bụng) để che lấp lại vùng khuyết hổng ở tuyến vú đã phẫu thuật. Bên ngực được phẫu thuật đã được tạo hình rất cân đối và có thể đạt tới 90% so với bên còn lại. Hiện nay, tình trạng bệnh nhân ổn định, gần như khỏi bệnh hoàn toàn”, bác sĩ Lê Văn Long chia sẻ.

Cũng theo BS. Lê Văn Long, hiện nay, trên nhóm bệnh nhân nữ đã qua sinh nở thường có hiện tượng da thừa ở bụng nhiều. Ngoài phương pháp điều trị phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú và vét hạch, hiện phương pháp mới được kết hợp với chuyên ngành Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, sử dụng vạt DIEP (lấy toàn bộ tổ chức da và mỡ thừa ở vùng bụng) tạo ra vạt tự thân. Tức là bầu ngực khi tạo hình ra là tổ chức thật của người bệnh và các bác sĩ sẽ cắt đi tổ chức da thừa, mỡ thừa, tạo hình lại thành bụng cho người bệnh; từ đó làm cho thành bụng của người bệnh thẩm mỹ hơn. Với chị em, điều này đặc biệt quan trọng.

Qua trường hợp này, bác sĩ cũng khuyến cáo, để phòng tránh ung thư vú, việc khám sàng lọc đóng vai trò rất quan trọng. Hiện nay tỷ lệ khám sức khỏe định kỳ ở Việt Nam còn khá thấp, đặc biệt trên nhóm đối tượng trẻ. Đa số mọi người thường nghĩ trẻ thì ít có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ bệnh nhân ung thư vú có xu hướng trẻ hóa, có bệnh nhân khoảng ngoài 20 tuổi đã mắc K vú.

Tỷ lệ khỏi của ung thư vú nếu phát hiện sớm có thể đạt hơn 90%, thậm chí có thể lên tới 98%. Trong khi đó, với nhóm bệnh nhân phát hiện giai đoạn muộn thì tỉ lệ sống sau 5 năm chỉ đạt dưới 20%. Để tầm soát ung thư vú, chúng ta chỉ cần làm những xét nghiệm đơn giản như siêu âm, hoặc tự thăm khám cho bản thân, nếu thấy u, cục bất thường, cần tới cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và phát hiện sớm. Với bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn thì chi phí điều trị sẽ tốn kém hơn rất nhiều, bệnh nhân sẽ không thể sử dụng những phương pháp điều trị ở giai đoạn sớm mang tính chữa khỏi, mà chỉ điều trị với mục tiêu có thể kéo dài thời gian cho người bệnh.

Theo thống kê trên thế giới, ung thư vú đang có xu hướng trẻ hóa và trở nên phổ biến. Số liệu của GLOBOCAN 2022 cho thấy, trước đây ung thư vú có tỉ lệ mắc xếp sau các loại ung thư khác, nhưng hiện nay đã “vươn lên” vị trí số 2 trên thế giới, và đứng vị trí dẫn đầu tại Việt Nam. Mỗi năm, Thế giới ghi nhận khoảng trên 2 triệu ca mắc bệnh, còn tại Việt Nam riêng năm 2022 ghi nhận khoảng gần 25 nghìn ca mắc ung thư vú.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
‘Mái nhà chung’ của những bệnh nhân ung thư vú
‘Mái nhà chung’ của những bệnh nhân ung thư vú

5 năm qua, câu lạc bộ Phụ nữ kiên cường Hà Nội trở thành “mái nhà chung”, điểm tựa tinh thần vững chắc, động viên chị em mắc ung thư vú trên địa bàn Hà Nội nỗ lực chống chọi với bệnh tật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN