Số người chết vì bệnh lao cao hơn tai nạn giao thông

Mặc dù số bệnh nhân mắc bệnh lao đã giảm thời gian gần đây nhưng tỷ lệ mắc lao của Việt Nam vẫn còn cao. Năm 2017, số người chết vì bệnh lao thậm chí còn cao hơn tai nạn giao thông, với 12.000 người.

Chú thích ảnh
Khám, điều trị cho người bệnh lao. Ảnh: TTXVN

Gánh nặng lớn từ căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2017, Việt Nam có khoảng 124.000 người mắc lao mới. Đặc biệt, số người chết do lao năm 2017 ở Việt Nam là khoảng 12.000 người, cao hơn nhiều so với con số tử vong do tai nạn giao thông. Bệnh lao vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thế giới với gần 5.000 người tử vong mỗi ngày.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, dịch tễ bệnh lao trên toàn quốc hiện là 289/100.000 dân, trong đó số bệnh nhân nam mắc lao cao hơn nữ tới 4,2 lần.

Với số người mắc cao, hiện Việt Nam đang nằm trong top 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao, đứng thứ 15 về gánh nặng lao kháng đa thuốc. Đặc biệt, với tỷ lệ bệnh nhân mắc lao kháng thuốc tới gần 40%, họ đang phải chịu gánh nặng chi phí rất nặng nề do điều trị dài ngày. Nếu điều trị lao thường có thể chỉ tốn khoảng dưới 10 triệu đồng nhưng với lao đa kháng thuốc có thể mất tới 70-80 triệu đồng, thậm chí những gia đình có người thân chết do bệnh lao có thể mất tới 15 năm thu nhập. Với mức chi phí đó cùng với con số mắc lao của Việt Nam vẫn còn rất cao, gánh nặng của căn bệnh này là rất lớn.

Trước thực trạng đó, Việt Nam đang nỗ lực trong công tác phòng, chống lao, hướng tới khống chế căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết: Trong 10 năm qua, kết quả 2 lần nghiên cứu điều tra toàn quốc cho thấy, số người mắc bệnh lao ở Việt Nam đã giảm trung bình 3,8%/năm, tốc độ giảm đã nhanh hơn nhiều lần. Hàng năm cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao.

Bên cạnh đó, trong điều trị bệnh, Việt Nam đã làm chủ được các kỹ thuật phát hiện, chẩn đoán, điều trị với kết quả cao, đã xây dựng được một hệ thống mạng lưới điều trị từ trung ương đến địa phương. Hiện trên cả nước đã có 48/63 tỉnh, thành thành lập bệnh viện phổi, bệnh viện lao. Chương trình Chống lao quốc gia vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận, huyện và 100% số xã, phường, giúp tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%.

Nhờ những nỗ lực đó, riêng trong năm 2018, số liệu phát hiện của Chương trình chống lao quốc gia có xu hướng giảm về số bệnh nhân lao các thể với 3.657 bệnh nhân. Số bệnh nhân lao mới có bằng chứng vi khuẩn học giảm so với năm 2017 với 1.051 bệnh nhân.

Tuy nhiên, trên con đường phấn đấu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, Chương trình chống lao vẫn đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt là việc duy trì sự bền vững cho tất cả những điều kiện thuận lợi hiện nay. Bên cạnh đó là sự vào cuộc và hưởng ứng của cả cộng đồng, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao, vượt qua mọi rào cản từ cả phía người bệnh và các thầy thuốc trong xã hội.

Tăng cường phát hiện sớm và điều trị 

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, việc phát hiện bệnh lao, điều trị sớm sẽ điều trị dứt điểm để cắt nhanh nguồn lây và việc điều trị lao tiềm ẩn sẽ cắt nguy cơ nhiễm thành bệnh. Nếu thực hiện phát hiện điều trị sớm, sẽ giảm được 10% số bệnh nhân mắc lao. Nếu thực hiện điều trị tiềm ẩn, sẽ giảm được 20%.

Tại Việt Nam, sau điều trị, tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì khá cao trên 92% cho người mới mắc lần đầu, 75% cho người mắc lao đa kháng thuốc nói chung và 80% cho người mắc lao đa kháng thuốc đơn thuần với phác đồ ngắn hạn. Ngay cả với lao siêu kháng thuốc cũng đã có phác đồ, có thuốc mới và dần bao phủ mở rộng trên phạm vi toàn quốc để khống chế tỷ lệ lây truyền lao kháng thuốc tiên phát trong cộng đồng. Các kỹ thuật công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao như: Kỹ thuật phát hiện vi khuẩn lao bằng máy GeneXpert, Kỹ thuật sinh học phân tử, kỹ thuật nuôi cấy nhanh, thuốc mới Bedaquline, Delamanid, Rifampentine…

Theo các chuyên gia, khả năng điều trị bệnh lao đã đáp ứng, tuy nhiên việc phát hiện sớm, quản lý ca bệnh tại cộng đồng là rất quan trọng để khống chế sự lây lan, gia tăng của bệnh.

Đặc biệt, hiện nay vẫn còn tới 20% bệnh nhân mắc lao chưa được phát hiện, đây sẽ là nguồn lây nhiễm nguy hiểm cho cộng đồng. Trong khi đó, hiểu biết của một bộ phận người dân về bệnh lao và cách phòng chống vẫn còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh. Trong khi đó, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng…

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Việt Nhung, để hướng tới kiểm soát các ca bệnh lao trong cộng đồng, đầu tiên cần thiết phải xây dựng Chiến lược và Chương trình Hành động Quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030, có một tổ chức phù hợp cho 15 tỉnh chưa có bệnh viện và trung tâm kiểm soát bệnh tật… để hỗ trợ tầm soát, điều trị cho người bệnh lao trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, cần huy động người dân hưởng ứng, chủ động tiếp cận các dịch vụ để phát hiện sớm bệnh lao; đồng thời không kỳ thị, mặc cảm khi mắc bệnh; huy động các nguồn bảo trợ xã hội tham gia ủng hộ, hỗ trợ người bệnh điều trị. Muốn vậy, cả cộng đồng phải vào cuộc cùng với Chương trình hành động Quốc gia. Khi tất cả cùng hành động mới có thể chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Cần hành động mạnh mẽ hơn để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030
Cần hành động mạnh mẽ hơn để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030

Ngày 23/3, Bộ Y tế, Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức sự kiện Hưởng ứng ngày thế giới phòng, chống lao 24/3 với chủ đề “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN