Đó là trao đổi của ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tại Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh, do Bộ Y tế tổ chức ngày 12/7.
Tính đến hết năm 2018, cả nước có trên 360.000 người được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều bất cập về hình thức tổ chức cấp chứng chỉ này.
Ông Nguyễn Huy Quang cho biết: “Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện nay quy định hình thức cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh hoàn toàn dựa vào xét hồ sơ, các bằng cấp, chứng nhận chuyên môn… Điều này chưa đảm bảo được chất lượng thực tế đầu vào của nguồn nhân lực khám chữa bệnh. Đây là điểm khác biệt của Việt Nam so với quốc tế. Tại nhiều quốc gia, việc cấp chứng chỉ phải trải qua các kỳ thi quốc gia để đánh giá năng lực”.
Bên cạnh đó, hiện chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh của Việt Nam không quy định thời hạn, có giá trị vĩnh viễn sẽ không tạo ra động lực để học tập, cập nhật các kiến thức mới, rất dễ xảy ra những sai sót chuyên môn.
Trước thực tế trên, Bộ Y tế dự kiến sắp tới sửa đổi Luật Khám, chữa bệnh sẽ đề xuất có thêm quy định những người đã tốt nghiệp chuyên khoa ngành y, phải vượt qua kỳ thi sát hạch quốc gia với đủ các phần thi lý thuyết, thực hành mới được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Đồng thời, sẽ quy định thời hạn của chứng chỉ hành nghề chỉ còn 5 năm.
“Để không làm xáo trộn hệ thống, việc tổ chức kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề sắp tới chỉ áp dụng cho những người đăng ký cấp mới, còn những người đang có chứng chỉ cũ vẫn hành nghề bình thường. Tuy nhiên, khi có quy định mới thì sẽ phải theo chuẩn 5 năm được xem xét để tái cấp lại. Hiện Bộ Y tế đang chuẩn bị các nội dung như: Dự kiến ngân hàng đề thi, thí điểm làm thử để đảm bảo tính khách quan cho kỳ thi và việc cấp chứng chỉ”, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cũng cho biết.