Đến ngày 13/11, toàn tỉnh đã ghi nhận tại 18/18 huyện, thị xã, thành phố có 15.926 ca mắc sốt xuất huyết, cao gấp 23 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đáng lo ngại khi tình hình dịch tễ, biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân diễn biến khá phức tạp và đã có trường hợp tử vong.
Trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 2 loại muỗi Aedes truyền bệnh số xuất huyết là muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus. Hai loài muỗi này sống và hút máu ngay cả ở trong nhà và ngoài trời. Vì vậy người dân khi sinh hoạt và làm việc đều phải cảnh giác và phòng ngừa muỗi đốt truyền bệnh sốt xuất huyết.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, có tới 90 % bệnh nhân bị sốt xuất huyết nhập viện thường bị giảm tiểu cầu trong máu. Giảm tiểu cầu này là một trong những nguyên nhân khiến bệnh diễn tiến nặng, đặc biệt có xuất huyết não, rối loạn đông máu khiến tỷ lệ tử vong tăng cao.
Theo đánh giá của Sở Y tế Quảng Nam, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tăng cao do chu kỳ của dịch bệnh; tình hình thời tiết hiện rất thuận lợi để muỗi phát triển; ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân không cao và lực lượng y tế cơ sở quá mỏng nên không kịp xử lý các ổ dịch. Bởi vậy, tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh. Mỗi gia đình, cá nhân tự giữ vệ sinh, vệ sinh môi trường, loại bỏ các ổ loăng quăng và phải đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu bị bệnh sốt xuât huyết.
Ông Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho rằng: Người dân cũng phải biết được các triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết và không nên chủ quan. Khi bị sốt với bất kì lý do gì, người dân phải đến trung tâm y tế để được thăm khám, phát hiện và xử lý sớm. Bên cạnh đó, ngành Y tế tăng cường giám sát, cảnh giác với những ca bệnh có sốt vào viện để phát hiện, xử lý kịp thời.
Để chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết, ngành Y tế tỉnh Quảng Nam, chính quyền đã phát động nhiều cuộc ra quân nhằm cảnh báo và phòng, chống sốt xuất huyết như: Phát động ra quân tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy tại các xã trọng điểm, nơi có nguy cơ cao; diệt lăng quăng/bọ gậy tại hộ gia đình hàng tuần với phương châm "Không có bọ gậy, loăng quãng, không có muỗi thì không có sốt xuất huyết"; treo băng rôn, khẩu hiệu tại các nơi công cộng, cơ quan, trường học...
Các địa phương tăng cường truyền thông qua loa, đài phát thanh và xe lưu động; tập trung nâng cao ý thức của người dân để họ tự giác tham gia các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết tại cộng đồng, đặc biệt là mỗi hộ gia đình tự giác thay đổi thói quen sinh hoạt không cho muỗi vằn có nơi trú ngụ và sinh sản. Các địa phương tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.