Tâm lý "bài trừ" vắc-xin
Kể từ khi con trai được 4 tháng tuổi, chị Lê Thị Linh (ngụ quận 6, TP Hồ Chí Minh) không cho con tiêm phòng bất cứ loại vắc-xin nào. Chị Linh lý giải, do con chị hay mắc bệnh vặt, nóng sốt liên miên, chị không dám đưa con đi tiêm phòng, sợ bệnh nặng thêm. Thêm nữa, chị đọc trên mạng internet thấy có những thông tin không hay về vắc-xin nên quyết định "lờ" luôn vấn đề tiêm chủng.
Mới đây, sau 3 ngày con bị sốt li bì, chị mới đưa con đi khám. Các bác sỹ xác định bé mắc bệnh sởi. Lúc này, chị Linh mới nhớ lại con chị chưa được tiêm mũi vắc-xin sởi nào dù đã 28 tháng tuổi. “Tôi hối hận quá, nếu cho con tiêm phòng đầy đủ, bé chắc không mắc bệnh rồi”, chị Linh chia sẻ.
Sự thờ ơ của phụ huynh, tâm lý “bài trừ” vắc-xin chính là những trở ngại khiến cho độ bao phủ miễn dịch trong cộng đồng ngày càng thấp. Ngay sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, phường Tân Thới Nhất, quận 12 xuất hiện một chùm ca bệnh sởi.
Theo Bác sỹ Trương Minh Thống Nhất, Trưởng Trạm Y tế phường, tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin sởi trên địa bàn chỉ đạt 56%. “Với tỷ lệ này, nguy cơ bệnh sởi có thể bùng phát trên diện rộng là rất cao”, Bác sỹ Nhất lo lắng. Mặc dù cán bộ y tế liên tục mời phụ huynh đưa con đến tiêm phòng nhưng nhiều phụ huynh vẫn không chấp hành.
Không chỉ những phụ huynh, các trường học cũng chưa hợp tác với ngành Y tế trong việc thực hiện tiêm chủng vắc-xin phòng sởi. Dẫn chứng là từ cuối tháng 12/2018, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã thực hiện chiến dịch tiêm vét vắc-xin sởi cho trẻ trong độ tuổi từ 1 - 5 tuổi tại các trạm y tế và trường học trên địa bàn. Tuy nhiên, 99 trường học đã không đồng ý tham gia chiến dịch. Điều này góp phần tạo ra “lỗ hổng” trong tiêm chủng đối với bệnh sởi.
Ghi nhận thực tế từ công tác khám chữa bệnh, Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho biết, thực tế hơn 95% trẻ mắc bệnh sởi nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 thời gian qua đều chưa được tiêm vắc-xin sởi hoặc mới chỉ tiêm được 1 mũi.
“Có nhiều lý do để phụ huynh không tiêm phòng vắc - xin sởi cho con. Người thì do con hay mắc bệnh vặt, người quên lịch tiêm, có trường hợp do ông bà không cho tiêm bởi sợ cháu bị “hành”, thậm chí có những người có tâm lý “bài trừ” vắc-xin khiến cho số lượng trẻ không được tiêm chủng ngày càng nhiều, bệnh dịch vì thế cũng bùng phát theo”, bác sỹ Khanh lý giải.
Cùng chung quan điểm, Bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh nhận định, tỷ lệ tiêm chủng thấp chính là nguyên nhân khiến cho bệnh sởi bùng phát mạnh trong thời gian qua trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Bác sỹ Nguyễn Trí Dũng tính toán, chỉ cần mỗi năm có khoảng 5% trẻ không được tiêm phòng sởi, sau 5 năm, số lượng trẻ chưa có miễn dịch sởi trong cộng đồng là rất lớn. Lúc này, chỉ cần một 1 nguồn lây xâm nhập, bệnh chắc chắn sẽ bùng phát.
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ trẻ em tiêm chủng đủ 2 mũi vắc-xin sởi trong cộng đồng hiện rất thấp. Càng ở những địa phương có độ bao phủ tiêm chủng thấp, dịch sởi bùng phát càng mạnh. Đơn cử, quận Bình Tân là địa phương có số ca mắc sởi cao nhất thành phố với 547 ca trong năm 2018, chiếm hơn 16% tổng số ca mắc toàn thành phố. Theo báo cáo của quận, tỷ lệ trẻ được tiêm ngừa mũi sởi 1 đạt khoảng 95%, tuy nhiên mũi sởi 2 chỉ đạt khoảng 40%.
Cần xem lại hiệu quả của chương trình tiêm chủng
Dù ngành Y tế đã thực hiện các chiến dịch tuyên truyền, tiêm vét vắc-xin phòng bệnh thế nhưng bệnh sởi vẫn tiếp tục bùng phát, tỷ lệ tiêm chủng sởi vẫn ở mức thấp. Bác sỹ Trương Hữu Khanh cho rằng, cần xem lại tính hiệu quả của các biện pháp tuyên truyền. “Chỉ khi giải quyết được vấn đề miễn dịch của cộng đồng, tăng độ bao phủ tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin, mới có thể chấm dứt được bệnh sởi”, Bác sỹ Khanh nhận định.
Cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề tiêm chủng, Bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh lại cho rằng, vấn đề tiêm chủng không chỉ của riêng ngành Y tế mà rất cần sự phối hợp của các ngành, đoàn thể có liên quan như ngành Giáo dục, Liên đoàn Lao động..., đặc biệt là sự hợp tác của người dân.
Ngoài ra, ông Hưng cũng cho rằng cần có chế tài đối với các trường hợp phụ huynh không đồng ý cho trẻ đi tiêm chủng bởi chính những đứa trẻ không được tiêm chủng đầy đủ sẽ là nguy cơ tiềm ẩn khiến dịch sởi lây lan cho cộng đồng.
Ở góc độ chuyên môn, Bác sỹ Trương Hữu Khanh nhìn nhận việc tuân thủ các quy định trong tiêm chủng, nhất là tuân thủ thời điểm tiêm chủng là rất cần thiết. Với nhiều nước trên thế giới, thời điểm tiêm ngừa sởi mũi đầu tiên khi trẻ từ 12 - 15 tháng. Tuy nhiên, do tình hình dịch tễ tại Việt Nam, bệnh sởi là bệnh lưu hành thường xuyên nên thời điểm tiêm ngừa trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia được quy định mũi đầu tiên lúc 9 tháng và mũi thứ 2 lúc 18 tháng. Mặc dù vậy, thực tế trong thời gian qua, có khá nhiều trẻ nhỏ mắc sởi trước khi đến lịch tiêm phòng.
Bác sỹ Trương Hữu Khanh lý giải nguyên nhân là do miễn dịch trong cộng đồng quá kém. “Chính bản thân người mẹ không có miễn dịch sởi và cộng đồng xung quanh chưa có miễn dịch nên trẻ nhỏ dễ mắc bệnh sởi”, Bác sỹ Khanh phân tích.
Trước nhiều luồng ý kiến nên cho trẻ tiêm phòng sởi sớm hơn, các chuyên gia y tế khuyến cáo, không nên giảm độ tuổi tiêm ngừa cho trẻ bởi càng đẩy lên sớm, hiệu quả miễn dịch của vắc-xin càng kém.
Để phòng bệnh sởi, phụ huynh cần cho trẻ tiêm phòng sởi đúng lịch theo quy định trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Cùng với đó, phụ huynh nào chưa có miễn dịch với bệnh sởi cũng cần tiêm phòng vắc-xin sởi cho chính mình nhằm tránh lây lan cho trẻ. Trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng cần được cách ly, hạn chế tiếp xúc với những người có biểu hiện mắc bệnh, các nguồn lây bệnh trong cộng đồng.