Phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác phòng, chống lao

Lao là một bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm với những người có sức đề kháng yếu. Vậy nên, phụ nữ mang thai dễ mắc bệnh lao hơn các nhóm đối tượng khác bởi lúc này, cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi, hệ miễn dịch giảm, chế độ ăn uống không đủ chất, mất sức và mệt mỏi...

Chú thích ảnh
Bác sỹ thăm khám cho bệnh nhân lao tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Ảnh minh họa: Dư Toán/TTXVN

Trong thời kỳ mang thai, người phụ nữ thường tập trung toàn bộ năng lượng, kể cả dinh dưỡng, tinh thần cho thai nhi. Vì thế, khi bị vi khuẩn lao tấn công, cơ thể người mẹ dễ bị suy kiệt, dẫn đến nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu rất cao. Bệnh lao không chỉ khiến cơ thể người mẹ bị tàn phá mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi. Khi người mẹ mắc bệnh, đứa con cũng dễ dàng bị lây bệnh, thậm chí lây ngay từ khi còn là bào thai (lao bẩm sinh).

Nếu mỗi người phụ nữ được nâng cao hiểu biết và có kiến thức đầy đủ về phòng chống lao, họ có thể bảo vệ sức khỏe cho bản thân và tác động tích cực đến người thân trong gia đình, cộng đồng để mọi người cùng phòng, chống căn bệnh lây truyền nguy hiểm này. Chính vì vậy, Chương trình chống Lao quốc gia đã đặt ra mục tiêu có ít nhất 20 triệu phụ nữ trong 20 triệu gia đình Việt Nam có kiến thức và thực hành bảo vệ gia đình không mắc lao.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Vân - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Phổi Trung ương, Tổng Thư ký Hội Phổi Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ (Hội Phổi Việt Nam): Phụ nữ là nhân tố bảo đảm cho chiến lược phòng chống lao giành thắng lợi. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Chương trình chống Lao Quốc gia đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động phòng, chống lao từ tỉnh, huyện và xã trong cả nước để giúp chị em và cộng đồng tăng cường hiểu biết về bệnh lao. 

Với mong muốn sự phối hợp, gắn kết này mạnh mẽ hơn, tháng 3/2020, Hội Phổi Việt Nam thành lập Chi hội Phụ nữ nhằm xây dựng đội ngũ chuyên gia chuyên ngành lao và bệnh phổi, tài liệu truyền thông và các biểu mẫu riêng cho các hoạt động; triển khai các hoạt động lồng ghép vào các hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Bác sĩ  Hoàng Thanh Vân cũng cho biết, Chi hội Phụ nữ thuộc Hội Phổi Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chọn một số địa phương để triển khai thí điểm các hoạt động nhằm nâng cao hiểu biết của chị em phụ nữ về bệnh lao, qua đó thực hiện tuyên truyền hiệu quả về phòng, chống bệnh lao trong cộng đồng. Các buổi tập huấn sẽ được lồng ghép vào các buổi giao ban hàng tháng, quý, phổ biến những kỹ năng cơ bản như phát hiện triệu chứng; thông tin về các cơ sở y tế khám chữa bệnh lao; các xét nghiệm cần thiết; cách thức điều trị và theo dõi nếu trong gia đình có người bị bệnh lao…

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID – 19 nên việc triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức về phòng, chống bệnh lao tại cộng đồng bị hạn chế. Năm 2021, Chi hội Phụ nữ (Hội Phổi Việt Nam) dự kiến sẽ lồng ghép các hoạt động trên tại Bắc Ninh, sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình ra nhiều tỉnh, thành phố khác, bác sĩ Hoàng Thanh Vân chia sẻ.

Minh Huệ (TTXVN)
Ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử trong điều trị lao và bệnh phổi
Ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử trong điều trị lao và bệnh phổi

Bác sĩ Vũ Anh Trường, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Yên Bái cho biết: Với mục tiêu nâng cao chất lượng khám và điều trị, Bệnh viện tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án và ngành y tế để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN