Nỗ lực tiến tới loại trừ bệnh sốt rét

Nhờ sự quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh của ngành Y tế và chính quyền địa phương, trong những năm qua, sốt rét tại Đắk Lắk đã giảm mạnh. Tỷ lệ bệnh nhân mắc sốt rét giảm, không có trường hợp mắc sốt rét ác tính, không có ca tử vong và dịch sốt rét xảy ra. Đây là động lực để tỉnh tiếp tục đẩy lùi, tiến tới loại trừ sốt rét vào năm 2026.

Chú thích ảnh
Cán bộ Trạm Y tế xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, tuyên truyền cho người dân về công tác phòng, chống sốt rét.

Xã Krông Na, huyện Buôn Đôn từng là điểm nóng về sốt rét tại Đắk Lắk. Những năm trước đây, địa phương ghi nhận hàng chục ca mắc mỗi năm, thậm chí đã có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, trong hai năm 2023 và 2024, xã Krông Na không ghi nhận trường hợp mắc sốt rét. Để đạt được kết quả này, Trạm Y tế xã Krông Na tăng cường giám sát, chủ động truyền thông đến từng thôn, buôn, nâng cao nhận thức người dân về phòng, chống sốt rét.

Y sĩ Y Bun Toản Niê, cán bộ Trạm Y tế xã Krông Na cho biết, cách đây 5 năm, xã Krông Na là vùng có sốt rét lưu hành nặng, đã có bệnh nhi tử vong. Tuy nhiên, tình hình sốt rét tại địa phương đã giảm mạnh nhờ triển khai các dự án phòng, chống sốt rét như RAI và HPA.

Các dự án triển khai tại xã đem lại hiệu quả rất cao. Đội ngũ y tế thôn, buôn, cán bộ trạm y tế... chủ động tới nhà các đối tượng đi rừng, ngủ rẫy có nguy cơ mắc sốt xét cao để xét nghiệm nhằm phát hiện, điều trị kịp thời. Công tác can thiệp sâu đem lại hiệu quả rõ rệt, số ca mắc sốt rét giảm. Công tác tuyên truyền giúp bà con hiểu bệnh sốt rét nguy hiểm nên người dân dần có ý thức phòng, chống. Đến nay, hầu như các trường hợp có triệu chứng sốt, mệt đã đến cơ sở y tế để khám, xét nghiệm... Qua đó giúp nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống sốt rét tại địa phương, anh Y Bun Toản thông tin.

Nhớ lại thời điểm bị sốt rét cách đây vài năm, anh Y Tiêu Byă (sinh năm 1999, tại buôn Drang Phốk, xã Krông Na) cho biết, trước kia, khi đi rừng, anh không có thói quen mắc màn, dẫn đến mắc bệnh. Năm 2020, anh bị sốt cao, lạnh run, đi khám mới biết mắc sốt rét nặng, phải điều trị. Từ đó, anh mới hiểu sốt rét nguy hiểm thế nào. Giờ đi rừng, anh đã mắc màn khi ngủ, giữ nhà cửa sạch sẽ. Nhờ vậy, anh không còn bị tái nhiễm sốt rét.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, số ca mắc sốt rét trên địa bàn giảm rõ rệt qua từng năm. Nếu như năm 2020 toàn tỉnh ghi nhận 122 ca mắc thì đến năm 2024 chỉ còn 5 ca (tất cả đều là trường hợp ngoại lai), không có ca mắc nội địa. Đắk Lắk có 10 đơn vị được công nhận loại trừ sốt rét, tạo tiền đề quan trọng để tỉnh hoàn thành mục tiêu loại trừ hoàn toàn căn bệnh này vào năm 2026.

Bác sỹ Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh đang thực hiện chiến lược loại trừ sốt rét theo Quyết định 1920/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ đó, tình hình dịch bệnh giảm mạnh qua từng năm. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là nguy cơ lây lan sốt rét từ các tỉnh lân cận.

Chú thích ảnh
Người dân tại buôn Drang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk phát quang bụi rậm, giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để phòng muỗi gây bệnh sốt rét.

“Đắk Lắk giáp ranh với tỉnh Gia Lai, Phú Yên và Khánh Hòa - những tỉnh vẫn còn ghi nhận ca mắc sốt rét, đặc biệt là xã Khánh Tường (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) có hàng trăm ca bệnh mỗi năm. Nếu sốt rét ngoại lai không được kiểm soát tốt, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng là rất lớn, đe dọa thành quả phòng, chống sốt rét của Đắk Lắk trong nhiều năm qua”, bác sỹ Phúc nhấn mạnh.

Theo ông Phúc, để duy trì kết quả đạt được và ngăn chặn mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập, ngành Y tế Đắk Lắk triển khai nhiều giải pháp đồng bộ: Tăng cường giám sát dịch tễ, chủ động lấy mẫu xét nghiệm đối với người dân vùng nguy cơ cao, đặc biệt là người đi rừng, ngủ rẫy; tuyên truyền, hướng dẫn bà con biện pháp phòng, chống sốt rét như, mắc màn khi ngủ, phun hóa chất diệt muỗi, giữ gìn vệ sinh môi trường sống. Các cơ sở y tế được trang bị đầy đủ thuốc điều trị sốt rét, đảm bảo phát hiện ca bệnh sớm để điều trị hiệu quả, tránh lây lan. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp các huyện, xã triển khai chiến dịch diệt muỗi, phân phát màn tẩm hóa chất miễn phí cho người dân vùng sâu, vùng xa.

Ngành Y tế tỉnh tập trung kiểm soát sốt rét tại các huyện trọng điểm như, Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo, Krông Năng… Đây là những địa phương còn ghi nhận ca bệnh và có nguy cơ cao nếu không có biện pháp phòng ngừa chặt chẽ.

Với những nỗ lực trong công tác phòng, chống sốt rét, tỉnh Đắk Lắk đang từng bước rút ngắn lộ trình loại trừ căn bệnh này. Theo kế hoạch ban đầu, Đắk Lắk sẽ loại trừ sốt rét vào năm 2027 nhưng với những kết quả khả quan hiện tại, tỉnh đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu sớm hơn một năm.

Dự kiến, năm 2025, nếu Đắk Lắk duy trì ba năm liên tiếp không có ca sốt rét nội địa (năm 2023, 2024, 2025), tỉnh sẽ được công nhận loại trừ sốt rét vào năm 2026. Để đạt được điều này, ngành Y tế địa phương tiếp tục đẩy mạnh biện pháp giám sát, phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đảm bảo không để phát sinh ca mắc sốt rét mới trong cộng đồng.

“Mặc dù sốt rét đã giảm mạnh nhưng nếu lơ là, dịch bệnh vẫn có thể bùng phát trở lại. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống chặt chẽ, kiểm soát nguồn lây từ bên ngoài và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân”, bác sỹ Hoàng Hải Phúc thông tin.

Bài và ảnh: Nguyên Dung (TTXVN)
Thí nghiệm cho muỗi mang bệnh sốt rét đốt để tìm thuốc đặc trị
Thí nghiệm cho muỗi mang bệnh sốt rét đốt để tìm thuốc đặc trị

Một nhóm người sẽ được gửi từ Oxford (Anh) đến Hà Lan để cố tình bị nhiễm một loại sốt rét nhằm giúp các nhà khoa học nghiên cứu các tác động cũng như tìm thuốc đặc trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN