Xem người bệnh như người thân
Bác sĩ Chuyên khoa I Bùi Minh Bời, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) đã có gần 38 năm công tác trong ngành Y, trong đó có 9 năm phụ trách công tác phòng, chống HIV/AIDS; trực tiếp khám, điều trị cho nhiều bệnh nhân AIDS. Với năng lực chuyên môn cao, giàu lòng nhân ái, tận tình khám chữa và điều trị cho bệnh nhân, nhiều người bệnh tôn trọng và quý mến bác sĩ.
Giồng Riềng là huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Kiên Giang. Đa phần người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn, phải đi làm công nhân, lao động tự do ở các tỉnh, thành phố khác nên việc khám, điều trị gặp không ít khó khăn.
“Trước đây có không ít người nhiễm HIV/AIDS do hoàn cảnh khó khăn, tâm lý chán nản, nhận thức không cao, không tuân thủ tốt việc khám, điều trị, thậm chí có một số người bỏ ngang nên điều trị không đạt hiệu quả. Vì vậy, tôi và các đồng nghiệp phải tạo được sự gần gũi, tìm hiểu rõ về từng hoàn cảnh bệnh nhân để hỗ trợ phù hợp, coi người bệnh như người bạn, người thân để động viên, tư vấn, nhắc nhở, giúp họ có điểm tựa, niềm tin, từ đó an tâm điều trị, tuân thủ tốt quy trình khám chữa bệnh”, bác sĩ Bời chia sẻ.
Theo bác sĩ Bùi Minh Bời, công tác phòng, chống HIV/AIDS, hiệu quả điều trị những năm gần đây ngày càng được nâng cao. Hiện nay, trên 98% bệnh nhân không còn khả năng lây lan trong cộng đồng. Tỷ lệ tử vong và bỏ điều trị thấp hơn mức trung bình của cả nước là dưới 1%; người nhiễm HIV chuyển sang AIDS dưới 5%. Hiện tại, khoa quản lý 334 bệnh, trong đó có 234 người đang dùng thuốc ARV.
Ông L.V.C (thường trú xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng) cho biết đã phát hiện nhiễm HIV và bắt đầu dùng thuốc từ tháng 9/2011 đến nay. Trong quá trình điều trị, do hoàn cảnh khó khăn, ông đã đến nhiều tỉnh, thành ở miền Đông Nam Bộ để lao động và có tâm lý chán nản, nhiều lần bỏ ngang dù nhân viên y tế nhiều lần liên hệ, nhắc nhở. Sau một thời gian, sức khỏe xuống cấp và đến lúc điều trị trở lại, ông C được bác sĩ nâng từ phác đồ bậc 1 lên bậc 2.
“Nếu không có sự quan tâm tận tình của bác sĩ Bùi Minh Bời, chắc tôi đã chết vì bệnh. Được bác sĩ động viên, tôi đã hiểu và trân trọng cuộc sống, tuân thủ tốt việc điều trị. Hơn 1 năm nay, sức khỏe tốt hơn, tôi lại tiếp tục đi làm lo cho gia đình, cuộc sống dần ổn định hơn. Tôi rất quý trọng bác sĩ Bời và các anh, chị phụ trách khám, điều trị vì chính họ đã bảo vệ sự sống của tôi”, ông C chia sẻ.
Trau dồi y học và y đức
Là người giỏi chuyên môn, có trách nhiệm trong công tác và tinh thần, thái độ tận tình phục vụ người bệnh, điều dưỡng Lưu Văn Chanh, công tác ở bộ phận lọc thận nhân tạo, Khoa Hồi sức, Bệnh viện Đa khoa huyện Giồng Riềng nhiều lần được Sở Y tế tỉnh và UBND tỉnh Kiên Giang tặng giấy khen, bằng khen.
Công việc điều dưỡng khá vất vả và dễ xảy ra xung đột với người bệnh, người nuôi bệnh. Vì vậy, ông thường xuyên nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn để chăm sóc tốt người bệnh. Ông vừa hoàn thành chương trình liên thông đại học, chuyên ngành Điều dưỡng.
“Bệnh nhân đến chạy thận, lọc máu đa phần là giai đoạn cuối và nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi họ phải đến làm 3 ngày trong tuần vừa tốn chi phí, vừa mất ngày công lao động, gia cảnh càng khó khăn. Chúng tôi làm điều dưỡng, thu nhập cũng không nhiều nên cũng chỉ có thể chia sẻ phần nào giúp họ tiền thuê xe đến chạy thận, lọc máu; dành bánh, sữa, đường, mì gói bồi dưỡng của mình để tặng lại cho người bệnh”, điều dưỡng Chanh chia sẻ.
Tiến sĩ, Bác sĩ Văng Kiến Được, Trưởng Khoa Lão học, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang được lãnh đạo Sở Y tế và Bệnh viện đánh giá cao về trình độ y học, đặc biệt là ở lĩnh vực về tim mạch và lão khoa.
Theo bác sĩ Được, công tác ở Khoa Lão học, các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên gặp không ít khó khăn, áp lực do hầu hết người bệnh có độ tuổi từ 80 tuổi trở lên. Nhiều trường hợp nguy kịch, hệ thống giác quan, thần kinh suy giảm nên khó khăn trong giao tiếp, trao đổi thông tin.
Để đảm bảo hiệu quả khám chữa bệnh, bản thân bác sĩ Được cũng như các đồng nghiệp, nhân viên bên cạnh nỗ lực thực hiện tốt chuyên môn còn chú trọng đến việc tìm hiểu và nhận định tình hình người bệnh để có cách giao tiếp, trao đổi; phương pháp khám, điều trị cho phù hợp. Đồng thời, ông thường xuyên quán triệt đến các đồng nghiệp, nhân viên trong khoa phải luôn thông cảm, kiên trì, nhẫn nại, trách nhiệm với người bệnh, coi họ như người thân trong gia đình để chăm sóc, điều trị hiệu quả.
“Qua 22 năm công tác, tôi được tiếp xúc, điều trị rất nhiều bệnh nhân, có người bệnh rất ngặt nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đối với những người khó khăn, người vô gia cư, không có người thân chăm sóc, không có tiền và thẻ bảo hiểm y tế, tôi cùng các đồng nghiệp sẵn sàng hỗ trợ điều trị, mua bảo hiểm y tế, chăm sóc tận tình để họ có thêm niềm tin vào cuộc sống”, bác sĩ Được chia sẻ.
Để đảm bảo kiến thức, trình độ chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu khám, điều trị bệnh, bản thân người bác sĩ không ngừng học tập, nghiên cứu thông qua sách, báo, chia sẻ kinh nghiệm cùng đồng nghiệp; tích cực tham gia các hội thảo, báo cáo chuyên ngành trong và ngoài nước. Bác sĩ Được nói ông có có rất nhiều kỷ niệm vui, ấn tượng trong quá trình hành nghề cứu người. Đáng nhớ nhất là vào năm 2015, ông cùng các đồng nghiệp cứu chữa thành công trường hợp nữ bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nguy kịch do bệnh tim bẩm sinh.
Ông cùng các đồng nghiệp đã vận động các tổ chức từ thiện hỗ trợ bệnh nhân hơn 60 triệu đồng. Đây cũng là ca bệnh áp dụng kỹ thuật mổ tim hở đầu tiên tại Đồng bằng Sông Cửu Long. 5 năm sau, ông có dịp gặp lại người bệnh này, cô có sức khỏe tốt, đã lập gia đình, sinh con và làm ăn thuận lợi, cuộc sống khá giả. Đây chính là động lực để bác sĩ Được cùng các đồng nghiệp nỗ lực hết mình, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Có thân nhân nằm tại Khoa Lão học và được Tiến sĩ Văng Kiến Được trực tiếp chăm sóc, ông Danh Minh (thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, Kiên Giang) cho biết, mấy hôm trước mẹ ông bị viêm phổi cấp và một số bệnh khác rất yếu, không nhận ra con cháu. Mắt mẹ ông mù đã 30 năm, thính giác kém nên khó khăn trong trao đổi với bác sĩ, điều dưỡng. Thế nhưng, bác sĩ Được và các anh, chị điều dưỡng vẫn tận tâm thăm hỏi, khám, điều trị, chăm sóc chu đáo. Nhờ đó, sức khỏe mẹ ông nhanh phục hồi và hiện tại bà đã ăn uống được, tỉnh táo, nói chuyện được nên con cháu rất mừng...