Nhiều học sinh bị stress
Trong cuộc điều tra, phỏng vấn sâu mới đây của Khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) với một số học sinh, một học sinh nữ 12 tuổi, ở Hà Nội, đã chia sẻ với các bác sĩ: “Bố mẹ nghĩ là cứ so sánh em với bạn khác và khuyên em học tập theo bạn đó thì tốt hơn, nhưng thực chất điều đó chỉ động đến lòng tự trọng, em có cảm giác tổn thương về tâm lý. Áp lực phải học thật giỏi, điểm thật cao làm cho em cảm thấy mình càng học kém hơn”.
Hay cũng có một học sinh nam tâm sự với bác sĩ về một việc rất nhỏ nhưng suýt xảy ra hậu quả lớn. Học sinh nam này bị áp lực học tập nhiều, đã tìm đến xem mạng xã hội để giải trí cho bớt căng thắng, nhưng sợ bố mẹ mắng chểnh mảng học tập nên cậu vào phòng đóng kín cửa để xem. Tuy nhiên khi bố mẹ nhìn thấy lại mắng con, lời qua tiếng lại, bố của nam học sinh cho rằng con mình hư, lười học, nên đã tát vào mặt con. “Lúc đó em đã cảm thấy một sự tổn thương khủng khiếp, chán nản em đã từng nghĩ đến tự tử”, nam học sinh tâm sự.
Hay tại Viện Sức khoẻ tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cũng đã từng tiếp nhận một nữ học sinh (lớp 9, ở Hà Nội) thường xuyên có các biểu hiện như: Bồn chồn không yên, khó ngủ, lo lắng, hay khóc… tình trạng này diễn ra liên tục khi kỳ thi đến gần nên phụ huynh đã đưa con đến khám. Bệnh nhân được xác định bệnh lý rối loạn tâm thần có liên quan đến stress do áp lực học tập căng thẳng; tuy nhiên bệnh nhân mới chỉ biểu hiện ở mức độ nhẹ nên chủ yếu được tư vấn tâm lý và điều trị ngoại trú.
Ths.BS Lê Công Thiện, Trưởng phòng điều trị Tâm thần Nhi, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia cho biết: “Vấn đề học và thi cử đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều học sinh, nhất là tâm lý ganh đua điểm số, chịu áp lực của gia đình, thầy cô. Khối lượng bài vở nặng nề cùng với việc phải thức khuya, dậy sớm, học thêm… khiến nhiều học sinh bị rơi vào trạng thái stress”
Theo đó, khi chuẩn bị bước vào các kỳ thi, nhất là các kỳ thi chuyển cấp quan trọng, nhịp sống, nếp sinh hoạt của các em học sinh cũng bị thay đổi nhiều như: Ăn ngủ không đúng giờ, không có thời gian giải trí... Có những em còn tự tạo áp lực cho chính mình với tâm trạng lo sợ thi rớt, sợ thua kém bạn bè dễ dẫn đến bị rối loạn cảm xúc.
Đặc biệt, nhiều em còn có tình trạng việc lạm dụng các chất kích thích như: Cà phê, trà… để thức khuya học bài mà không chú ý đến việc bổ sung dinh dưỡng và năng lượng phù hợp cũng là nguyên nhân khiến các em không đủ sức thích nghi với những áp lực lớn.
Bác sĩ cũng lưu ý, với một số trường hợp, các kỳ thi quan trọng còn như một yếu tố khởi phát, thúc đẩy nhanh hơn các căn bệnh liên quan đến tâm thần ở trẻ.
Không coi nhẹ các dấu hiệu bất thường
Theo các bác sĩ, nhiều cha mẹ quá quan tâm đến việc học của con mà không mấy chú ý đến tâm lý, sức chịu đựng của con. Thậm chí có nhiều trẻ đã có các biểu hiện bệnh về tâm thần ở dạng nhẹ, bố mẹ lại nghĩ đơn giản đó là những biểu hiện bình thường khi đối mặt với áp lực các kỳ thi và dễ bỏ qua. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân của nhiều ca bệnh về tâm thần phải điều trị sau các kỳ thi. Nếu không phát hiện sớm, can thiệp sớm đúng cách sẽ để lại hậu quả vô cùng to lớn, học hành sút kém, rối loạn hành vi và rối loạn về tâm thần.
TS.BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Đặc điểm của rối loạn tâm thần học đường thường là rối loạn lo âu và rối loạn tâm thần học tập. Đặc biệt, một số trẻ khi đã có biểu hiện bệnh, gia đình đưa đi khám nhưng vẫn cho rằng các cháu không có vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy nhiên khi bác sĩ thăm khám mới nhận ra rất nhiều biểu hiện như: Stress, sang chấn… Hầu hết các trường hợp khi được đưa đến khám đều ở trong tình trạng mắc các rối loạn vừa và nặng".
Năm 2019, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành một cuộc khảo sát với 834 học sinh tại Hà Nội và 726 học sinh tại tỉnh Hưng Yên cho thấy: Tỷ lệ học sinh trầm cảm với các mức độ khác nhau ở Hà Nội là 31,3% và Hưng Yên là 18,6%; tỷ lệ lo âu của học sinh tại Hà Nội là 42,6% và Hưng Yên là 36,5%; tỷ lệ trẻ stress tại Hà Nội là 38,8% và Hưng Yên là 21,8%.
“Kết quả khảo sát cho thấy, ở các thành phố lớn, tỷ lệ rối loạn tâm thần ở học sinh có xu hướng cao hơn ở tỉnh, thành khác. Trẻ nữ tỷ lệ lo âu trầm cảm, sang chấn tâm lý cao hơn so với trẻ nam. Trẻ trong gia đình có mâu thuẫn, tỷ lệ rối loạn cao hơn so với các em trong gia đình có sự hòa hợp”, TS.BS Đỗ Minh Loan cho biết.
Hiện nay, một số trường học đã có Phòng tham vấn tâm lý học đường với các cán bộ tâm lý có khả năng hỗ trợ các vấn đề tâm lý không quá phức tạp, giúp các em học sinh được tiếp cận với các chương trình phòng ngừa sớm và ngay tại trường học. Các mạng lưới tâm lý học đường cũng phải được kết nối với các cơ sở y tế. Tuy nhiên, việc này chưa được triển khai đồng đều tại các trường học, sự gắn kết vẫn còn lỏng lẻo.
Để giúp các em học sinh ổn định tâm lý, vững vừng bước qua các kỳ thì cũng như áp lực học tập, theo BS. Lê Công Thiện, giáo viên, nhà trường và gia đình cần phải hiểu biết về những vấn đề tâm lý lứa tuổi, vấn đề về sức khoẻ tâm thần ở trẻ. Việc hiểu rõ nguy cơ mắc bệnh tâm thần và thực hiện các biện pháp phòng bệnh tâm thần là cách tốt nhất đối với các bậc phụ huynh và các em học sinh trong mùa thi.
Với học sinh, cần biết xây dựng các phương pháp học tập đúng đắn, biết cách giải tỏa căng thẳng, tránh lo âu, chán chường vì áp lực học hành; từ đó xây dựng thói quen học tập với thời gian sinh hoạt hợp lý. Quan trọng nhất trong việc phòng bệnh là cần phải đảm bảo giấc ngủ tối thiểu 8 tiếng mỗi ngày.
Đặc biệt, khi cha mẹ thấy con có dấu hiệu lạ như: Ngủ lâu hoặc ít ngủ, cáu giận, bực bội, không chịu vệ sinh tắm rửa, ăn uống thất thường; dễ khóc, cảm giác tuyệt vọng, tiêu cực, cảm giác tội lỗi, bất lực, tập trung kém, thiếu năng lượng, mệt mỏi... cần theo dõi sát sao và cho trẻ đi khám kịp thời. Về phía thầy cô giáo nếu thấy các em có biểu hiện bất thường khi tiếp xúc hàng ngày cũng cần phải thông báo ngay cho gia đình.
Bác sĩ cũng lưu ý, các bậc phụ huynh không nên đặt quá nhiều kỳ vọng hay áp lực lên con cái mà cần quan tâm nhiều hơn đến phương pháp học tập, sức khỏe của con. Cần có sự thỏa thuận, các định đúng năng lực của con để đặt mục tiêu phù hợp theo hướng khuyến khích là chính. Bên cạnh quan tâm đến tinh thần, cha mẹ còn phải chú ý bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để các sĩ tử có đủ sức khỏe vượt qua kỳ thi tốt nhất. Trong kỳ thi, cha mẹ cũng cần hỗ trợ thêm cho con các công tác chuẩn bị cho kỳ thi để trẻ yên tâm hơn, giảm bớt những lo lắng không đáng có.