Sẽ có 252 bệnh, nhóm bệnh được đơn thuốc kéo dài tới 90 ngày

Người kê đơn thuốc là người quyết định số ngày kê đơn, căn cứ vào tình trạng lâm sàng, mức độ ổn định của người bệnh cho phù hợp.

Chú thích ảnh
Người bệnh khám bệnh tại cơ sở y tế. Ảnh: TTXVN

Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa ra Thông tư số 26/2025/TT-BYT quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Trong đó, đáng chú ý là quy định về danh mục các bệnh được kê đơn thuốc kéo dài tới 90 ngày.

Theo đó, Thông tư này có một số điểm mới như: Ban hành Danh mục bệnh, nhóm bệnh được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày gồm 252 bệnh, nhóm bệnh. Đối với bệnh thuộc Danh mục này, người kê đơn thuốc quyết định số ngày sử dụng của mỗi thuốc trong đơn thuốc căn cứ vào tình trạng lâm sàng, mức độ ổn định của người bệnh để kê đơn thuốc với số ngày sử dụng của mỗi thuốc tối đa không quá 90 ngày. Như vậy, trường hợp các tài liệu làm căn cứ kê đơn thuốc như tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, dược thư quốc gia Việt Nam không có hướng dẫn về số ngày sử dụng thuốc, người kê đơn có căn cứ để quyết định kê đơn đến 90 ngày cho người bệnh phù hợp.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng bổ sung một số trường thông tin bắt buộc trong đơn thuốc như: Thông tin về số định danh cá nhân hoặc số căn cước công dân hoặc số căn cước hoặc số hộ chiếu của người bệnh; cập nhật kịp thời theo tinh thần về liên thông dữ liệu điện tử của công dân: Công dân Việt Nam cung cấp số định danh cá nhân không cần kê khai các thông tin về giới tính, ngày sinh, địa chỉ thường trú.

Người kê đơn cần ghi rõ số lượng sử dụng mỗi lần và số lần sử dụng trong ngày, số ngày sử dụng thuốc trong đơn thuốc cho người bệnh.

Thông tư điều chỉnh quy định về trường hợp người bệnh đi khám nhiều chuyên khoa trong 1 lượt khám như: Bệnh viện tự quyết định người kê đơn, bảo đảm người bệnh chỉ có 1 đơn thuốc, tính an toàn (không bị trùng lặp, tương tác thuốc) và hiệu quả, hợp lý của đơn thuốc.

Bên cạnh đó, sẽ bỏ mẫu sổ khám bệnh, người bệnh đến khám bệnh tại cơ sở hoặc kết thúc điều trị nội trú được kê đơn vào đơn thuốc và quản lý bằng hồ sơ bệnh án phù hợp.

Thông tư cũng cập nhật các quy định mới theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 như: Việc kê đơn thuốc phải tuân thủ quy định về chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hoặc công nhận; việc sử dụng thuốc trong khám bệnh, chữa bệnh phải bảo đảm các nguyên tắc: Chỉ định sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết, đúng mục đích, an toàn, hợp lý và hiệu quả; việc kê đơn thuốc phải phù hợp với chẩn đoán bệnh, tình trạng bệnh của người bệnh. Và theo Luật dược sửa đổi, bổ sung năm 2024 như quy định về xử lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất đã bán/cấp cho người bệnh nhưng không sử dụng hết hoặc tử vong.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức và Dân tộc
Người dân được hưởng hàng loạt chính sách mới khi khám bệnh BHYT từ ngày 1/7
Người dân được hưởng hàng loạt chính sách mới khi khám bệnh BHYT từ ngày 1/7

Từ ngày 1/7, hàng loạt các chính mới mang tính đột phá trong Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi năm 2024 có hiệu lực. Theo đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, những thay đổi này không chỉ mở rộng quyền lợi, mà còn thể hiện quyết tâm thực hiện công bằng y tế, chăm sóc sức khỏe toàn dân một cách thiết thực và bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN