Thưa bà, xin bà cho biết tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam hiện nay, có những thay đổi gì trong thời gian gần đây?
Tại Việt Nam, ước tính hiện nay có khoảng 250.000 người đang sống chung với HIV. Tính tới tháng 9 năm 2023, nước ta có 100% số tỉnh, thành phố có người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, số người nhiễm HIV còn sống được phát hiện và báo cáo chủ yếu thuộc khu vực Đông Nam Bộ (chiếm 38,67%) và Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 19,87%).
Riêng trong 9 tháng năm 2023, cả nước đã ghi nhận 10.219 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.126 trường hợp tử vong. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV, có 84,5% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16 - 29 tuổi (chiếm 47,3%) và từ 30 - 39 tuổi (chiếm 28,2%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (chiếm 75,1%); đối tượng chủ yếu là nam quan hệ tình dục đồng giới (chiếm 49,2%).
Hình thái lây nhiễm HIV trong giai đoạn 2010 đến nay đã có sự thay đổi rõ rệt. Trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47,5% (năm 2010) xuống còn 6,4% (năm 2023); tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục trở thành đường lây chính khi tăng từ 47,5% (năm 2010) lên 84,4% (năm 2022) và 75,1% (năm 2023).
Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM (nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới) có xu hướng tăng rõ rệt trong thời gian gần đây, cũng như dự báo dịch HIV trong thời gian tới (tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM trong giám sát trọng điểm HIV tăng từ 7,4% vào năm 2016 lên 12,5% năm 2022). Các kết quả nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, nhóm người chuyển giới nữ cũng là một trong những nhóm được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV với tỷ lệ nhiễm có xu hướng tăng.
Theo số liệu ước tính và dự báo dịch HIV của Việt Nam năm 2022, dự báo những ca nhiễm mới HIV, cho thấy MSM là nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam.
Số liệu cho thấy tỷ lệ các ca nhiễm mới HIV tập trung ở các tỉnh phía Nam và có sự gia tăng nhiều ca tại các tỉnh không trọng điểm, vậy theo bà, đâu là nguyên nhân của sự gia tăng này?
Trước đây các nhà tài trợ hỗ trợ đến 80% ngân sách cho phòng chống HIV, nhưng từ năm 2015, khi Việt Nam đã phát triển, các nhà tài trợ rút dần, các nguồn lực tài trợ còn rất ít ỏi, chúng tôi đã phải tận dụng các mô hình linh hoạt để kết nối các tỉnh, thành phố không phải là khu vực trọng điểm của dịch cho những người có nguy cơ có thể tự kết nối.
Thực tế, nguy cơ dịch HIV vẫn tiềm ẩn ở nhiều nơi, chứ không chỉ ở những tỉnh trọng điểm như trước kia các nhà tài trợ đã chọn. Vì vậy, các mô hình dịch mới nổi như ở: Kiên Giang, Đồng Nai, Cần Thơ, An Giang… được phát hiện là xuất phát từ việc họ được giới thiệu trong cùng nhóm đối tượng đích, nhờ tổ chức các mô hình kết nối tại các tỉnh này. Chúng ta đã phát hiện ra các nhóm đối tượng mà từ trước đến nay họ rất khó tiếp cận với các dịch vụ, họ không đủ tự tin, hay bản thân họ cũng tự kỳ thị với chính mình. Đó là nhờ các nhóm cộng đồng đã kết nối với nhau, họ giới thiệu cho nhau nhưng mô hình mới, cách tiếp cận mới; từ việc tự xét nghiệm khi kỹ thuật xét nghiệm đã đơn giản đi rất nhiều (xét nghiệm bằng máu đầu ngón tay hay dịch miệng); khi có dấu hiệu họ có thể tự chuyển mẫu đến phòng xét nghiệm khẳng định để có kết quả.
Trong nhóm những người mắc bệnh, họ kết nối với nhau dễ dàng hơn, từ đó có thể giới thiệu tiếp cho nhau những mô hình mới về điều trị, điều trị phơi nhiễm cho những người có nguy cơ nhiễm HIV để kịp thời ngăn chặn. Đây là cách vừa phát hiện được các ca mới, vừa dự phòng được cho những người có nguy cơ nhiễm HIV; bởi chỉ những người có nguy cơ cao mới đi làm xét nghiệm và khi xét nghiệm có thể sàng lọc ra được những người mắc bệnh và ngay lập tức được tư vấn điều trị bằng thuốc ARV. Điều này rất hiệu qủa trong kiểm soát dịch, bởi thường chỉ được điều trị từ 2 – 6 tháng là những người phát hiện mới này đã có tải lượng virus rất thấp, ổn định, không còn khả năng lây nhiễm nữa… Đặc biệt, với những người chưa nhiễm mà được tư vấn sử dụng dự phòng trước phơi nhiễm PrEP có thể khống chế tới 98% nguy cơ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục.
Bà đánh giá như thế nào về vai trò của các nhóm cộng đồng trong ngăn chặn dịch HIV?
Bên cạnh sự vào cuộc các Bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội; đặc biệt là các nhóm cộng đồng đích gồm người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV như: Nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người sử dụng ma túy, người mại dâm, bạn tình của các nhóm trên có vai trò quan trọng trong kiểm soát dịch HIV.
Trong công tác phòng, chống HIV, nếu không dựa vào các mô hình cộng đồng mà chỉ dựa vào nguồn lực y tế sẵn có thì sẽ không thể thành công được. Trong khi đó, Việt Nam chỉ còn thời hạn 5 năm nữa là phải chấm dứt dịch AIDS, nếu không có sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng, không có người kết nối với các nhóm nguy cơ cao thì chúng ta khó có thể kiểm soát được dịch.
Trong chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 cũng đã chỉ rõ hướng đi mới trong tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV là: Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm. Thực tế, các nhóm dựa vào cộng đồng đã giúp mở rộng tối đa các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng; qua cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV thông qua các nhóm dựa vào cộng đồng và các kênh khác, việc xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai tại 35 tỉnh/thành phố trên cả nước. Cộng đồng đã được kêu gọi tham gia tích cực trong công tác tìm ca nhiễm HIV, huy động sự tham gia của người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đặc biệt là công tác tư vấn xét nghiệm HIV…việc này giúp tiếp cận được nhiều hơn với những người có hành vi nguy cơ cao do dịch vụ được cung cấp bởi những người có cùng hoàn cảnh sẽ giảm rất nhiều rào cản về kỳ thị và tự kỳ thị của những người trong cộng đồng.
Với những vai trò đó, năm 2023, chúng tôi đã lựa chọn chủ đề của Tháng phòng chống HIV/AIDS là “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Chúng tôi cũng đã chọn các nhóm cộng đồng là điểm mấu chốt để mở rộng nhanh các dịch vụ, đưa ra nhiều sáng kiến, ứng dụng kết nối được các dịch vụ và có thể phát hiện được nhiều người nhiễm còn tiềm ẩn trong cộng đồng hơn, sẽ ngăn chặn dịch được tốt hơn.
Vậy, các giải pháp nào cần được thực hiện trong thời gian tới để duy trì điều trị ARV bền vững và đảm bảo bền vững trong công tác phòng chống dịch HIV/AIDS, thưa bà?
Thời gian tới, chúng ta cần tập trung thực hiện mô hình Kết nối tìm ca – Xét nghiệm HIV – Cơ sở điều trị HIV. Cụ thể, cần huy động sự tham gia của các nhóm cộng đồng, mở rộng cơ sở xét nghiệm HIV và cơ sở điều trị HIV tại tuyến y tế cơ sở đủ điều kiện cung cấp dịch vụ điều trị HIV qua Bảo hiểm y tế (BHYT) bao gồm cả các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.
Đặc biệt, cần đảm bảo nguồn thuốc ARV bằng nguồn BHYT và tăng tỷ lệ người bệnh có thẻ BHYT giúp họ tiếp cận được dịch vụ khám, chữa bệnh HIV từ quỹ BHYT.
Với các tỉnh, thành phố cần được hướng dẫn để chủ động cung cấp dịch vụ xét nghiệm phát hiện, xét nghiệm tải lượng HIV tại chỗ, các cơ sở y tế chủ động ký hợp đồng với đơn vị cung cấp được các xét nghiệm này qua BHYT.
Bên cạnh đó, năng lực của nhân viên y tế về điều trị lao tiềm ẩn, các bệnh đồng nhiễm, các bệnh không lây nhiễm cũng cần được nâng cao, giúp cơ sở điều trị cung cấp được các dịch vụ khám, chữa bệnh khác ngay tại cơ sở điều trị HIV.
Đặc biệt, chúng ta cũng cần mở rộng điều trị PrEP cho cả các tỉnh không có dự án hỗ trợ cho nhóm đối tương nguy cơ cao để đảm bảo dự phòng tốt nhất cho những người nguy cơ không bị nhiễm HIV.
Xin trân trọng cảm ơn bà!