Người dân Đắk Lắk đi tiêm vaccine phòng cúm tăng cao

Trước diễn biến của bệnh cúm mùa, người dân Đắk Lắk đi tiêm vaccine phòng cúm tăng đột biến, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt tại một số điểm tiêm chủng.

Chú thích ảnh
Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột ghi nhận số người đến tiêm vaccine cúm cũng tăng mạnh từ 30-50 lượt/ngày, thậm chí có ngày lên tới 60-70 lượt.

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), từ đầu mùa dịch đến nay, số ca mắc cúm tăng gấp 3-4 lần so với trước đó. Đáng chú ý, trong khoảng 2 tuần gần đây, số ca mắc cúm tại bệnh viện tăng nhanh, trung bình 5-10 ca mỗi ngày. Một số trường hợp nặng có biến chứng viêm phổi phải nhập viện điều trị. Khoa Nhi đang điều trị cho 2 bệnh nhi bị cúm biến chứng.

Bác sỹ Nguyễn Văn Mạnh, Khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột cho biết, bệnh cúm thường kéo dài từ 2-7 ngày, một số trường hợp có thể trở nặng từ ngày thứ 2-3, có sốt cao, ho nhiều. Trẻ nhỏ, người cao tuổi và người có bệnh nền có nguy cơ bị biến chứng nặng hơn, dẫn đến viêm phổi, viêm não, viêm màng não cần theo dõi sát để kịp thời can thiệp y tế.

Trước nguy cơ dịch cúm lan rộng, nhiều người dân chủ động đi tiêm vaccine phòng bệnh. Tại Khoa, số người đến tiêm vaccine tăng mạnh, từ mức 5-10 lượt/ngày trước đây lên 30-50 lượt/ngày, thậm chí có ngày lên tới 60-70 lượt. Đối tượng tiêm chủ yếu là người cao tuổi, trẻ em và người có nguy cơ cao.

Theo Trung tâm Dịch vụ Khoa học Kỹ thuật - Y tế Dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, từ sau Tết đến nay, số người đi tiêm vaccine tăng gấp 3-4 lần so với trước, hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 200 người/ngày đến tiêm.

Bà Lê Thị Đào (sinh năm 1953, trú tại phường Thành Công, thành phố Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Nhà tôi có mẹ già 96 tuổi, dịch cúm đang gia tăng nên tôi đi tiêm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Đây là lần đầu tiên tôi tiêm vaccine phòng cúm”.

Cháu Nguyễn An Ninh (sinh năm 2011, tại thành phố Buôn Ma Thuột) cũng được mẹ đưa đi tiêm vaccine cúm. “Năm nay, bệnh cúm phức tạp hơn, tôi cho con tiêm phòng theo lịch hằng năm để yên tâm hơn. Sức khỏe là quan trọng, mình cũng nên tiêm nên phòng trước khi chờ bệnh mới chống”, mẹ cháu Ninh chia sẻ.

Bác sỹ chuyên khoa I H’Bum Knul, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, do ảnh hưởng của dịch cúm tại Trung Quốc, Nhật Bản và các tỉnh phía Bắc, bên cạnh đó, thời tiết thay đổi, lạnh sâu, lạnh kéo dài nên số người mắc cúm tăng, tỷ lệ trở nặng tăng lên khiến người dân lo ngại. Điều này dẫn đến nhu cầu tiêm vaccine phòng cúm tăng mạnh.

Chú thích ảnh
Từ đầu mùa dịch đến nay, Khoa Nhi Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột tiếp nhận số ca mắc cúm tăng gấp 3-4 lần so với trước đó. 

Hiện vaccine cúm của Hà Lan và Pháp tại Trung tâm đã hết, chỉ còn của Hàn Quốc với khoảng 500 liều. Trong năm 2024, Trung tâm dự trù khoảng 2.500 liều vaccine, gồm cả ba loại của Hà Lan, Pháp và Hàn Quốc. Tuy nhiên, do nhu cầu tăng đột biến, lượng vaccine dự trữ đang giảm nhanh. Trung tâm đang làm việc với các đơn vị cung ứng bổ sung trong thời gian tới.

Bác sỹ Hoàng Minh Ngọc, Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cũng thông tin, mặc dù bệnh viện đã có dự báo và dự trù vaccine cho quý I nhưng với tình hình bệnh nhân đến tiêm vaccine phòng cúm tăng khoảng 200 lượt/ngày, chưa đầy 1 tháng có thể sẽ hết vaccine.

"Chúng tôi sử dụng 2 nguồn vaccine của Pháp và Hà Lan là chính. Các đơn vị cung cấp vaccine đang cháy hàng nên số vaccine đưa về rất hạn chế. Chúng tôi đang cân nhắc tìm một nguồn khác để dự phòng nếu như 2 nguồn vaccine trên hết", bác sỹ Ngọc thông tin.

Các bác sỹ khuyến cáo, người dân nên chủ động tiêm vaccine càng sớm càng tốt, đặc biệt là trẻ nhỏ, người cao tuổi và người có bệnh nền. Ngoài tiêm phòng, bà con cần thực hiện biện pháp bảo vệ sức khỏe như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc gần với người có dấu hiệu cúm.

Dù nguồn vaccine hiện vẫn đủ đáp ứng nhu cầu tiêm chủng nhưng nếu số người đến tiêm tiếp tục tăng cao, khả năng thiếu hụt có thể xảy ra thời gian tới. Các cơ quan y tế tại Đắk Lắk đang phối hợp đơn vị cung ứng đảm bảo nguồn vaccine, dự kiến sẽ có thêm vaccine trong thời gian tới phục vụ nhu cầu của người dân.

Bài, ảnh: Nguyên Dung (TTXVN)
Người dân phòng cúm khi dự báo thời tiết nồm ẩm kéo dài
Người dân phòng cúm khi dự báo thời tiết nồm ẩm kéo dài

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn thành phố ghi nhận hơn 800 trường hợp mắc cúm, trong đó, người già và trẻ nhỏ chiếm tỷ lệ cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN