Tại Khoa Khám – Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, những ngày này, bệnh nhân đến khám, điều trị ngày càng đông. Theo thống kê, từ tháng 3 đến nay, trung bình mỗi ngày, Khoa tiếp nhận, điều trị cho trên 100 lượt bệnh nhân, tăng khoảng 20% so với trước đó. Bác sỹ Nguyễn Thị Bé, Trưởng Khoa Khám – Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk cho biết, những bệnh nhân phát bệnh trong thời điểm này chủ yếu là bị tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc… Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng kích động, hoang tưởng, ảo giác, quậy phá, la hét…
Trường hợp của bệnh nhân N.Đ.L (sinh năm 2000, tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk), bị mắc bệnh động kinh 5 năm và đã được điều trị, sức khỏe ổn định. Theo người nhà bệnh nhân, cách đây 2 tháng, bệnh nhân không uống thuốc đều đặn cộng thêm trời nắng, nóng khiến bệnh tái phát. Người bệnh thường xuyên lên cơn co giật liên tục, rối loạn tâm thần, biếng ăn, mất ngủ, hay la hét… Lo lắng cho bệnh tình của con, gia đình đưa bệnh nhân vào viện điều trị.
Tương tự, cháu Y.T.N (sinh năm 2007, tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) nhập viện trong tình trạng lên cơn co giật liên tục. Theo chị H Loanh Niê (mẹ bệnh nhân), cháu Y.T.N bị bại não từ nhỏ, thường xuyên uống thuốc nên tình trạng động kinh, co giật của cháu ít khi xảy ra. Gần đây, nắng nóng, khiến cháu lên cơn co giật liên tục từ 3-4 lần/ngày. Dù gia đình vẫn cho cháu uống thuốc đều nhưng tình trạng không khả quan hơn.
"Qua thời gian nhập viện điều trị, tình trạng sức khỏe của cháu đã ổn định. Các bác sỹ cũng hướng dẫn gia đình cách chăm sóc cháu, dặn uống thuốc đầy đủ và uống nhiều nước", chị H Loanh Niê cho biết.
Theo bác sỹ Nguyễn Thị Bé, các yếu tố vật lý như nhiệt độ cao, độ ẩm cao… sẽ ảnh hướng đến não bộ bệnh nhân. Khi thời tiết nắng nóng, cơ thể sẽ "điều nhiệt" để giải nhiệt cho cơ thể, khi đó cơ thể yếu đi, người mắc bệnh tâm thần dễ tái phát bệnh hơn. Do đó, để đảm bảo sức khỏe, người nhà cần thường xuyên quan tâm tới người bệnh, quan trọng nhất là nhận biết triệu chứng tái phát bệnh như ăn uống kém, mất ngủ, bứt rứt... Người thân cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị sớm tránh để bệnh trở nặng có thể gây ra hành động nguy hiểm.
"Các bệnh nhân nên uống thuốc đầy đủ, đều đặn theo hướng dẫn của bác sỹ. Đồng thời, bệnh nhân nên tăng cường lượng nước; tránh lao động, làm việc vào thời điểm nắng nóng quá mức; không nên tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng, nhiệt độ cao…", bác sỹ Nguyễn Thị Bé thông tin.
Tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, thời gian gần đây, bệnh nhi nhập viện điều trị do bệnh tiêu chảy có đủ các lứa tuổi, nhiều nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Theo bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Mỹ, Phó trưởng khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), từ đầu năm đến nay, có khoảng 500 trẻ mắc bệnh tiêu hóa đến khám và điều trị tại Khoa. Thời điểm này, số lượng trẻ nhập viện điều trị vì bệnh lý tiêu chảy tăng, trung bình từ 20 - 25 trường hợp mỗi ngày.
"Tiêu chảy chỉ sau tử vong bệnh lý về đường hô hấp. Khi thấy trẻ nôn mửa hoặc đi cầu quá nhiều lần, gia đình nên đến cơ sở y tế gần nhất để khám và phân loại bệnh nhằm hạn chế những rủi ro có thể xảy ra. Đây là tiếng chuông cảnh báo để cha mẹ nhận biết trẻ có thể bị tiêu chảy cấp, nguy cơ mất nước. Cha mẹ cần dự phòng tốt nhất để trẻ không bị tiêu chảy trong mùa này", bác sỹ Nguyễn Văn Mỹ thông tin.
Theo các bác sỹ, thời tiết tỉnh Đắk Lắk đang vào đầu mùa hè với nắng nóng gay gắt kết hợp độ ẩm trong không khí giảm thấp là môi trường thuận lợi cho các virus, vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Điều này có nguy cơ làm gia tăng các ca bệnh hoặc chuyển thành dịch đối với một số bệnh ở cả người lớn và trẻ em như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, các bệnh thường gặp về đường tiêu hóa như viêm ruột, ngộ độc thực phẩm…, các tai nạn cũng dễ xảy ra như đuối nước, say nắng… Nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Nhằm chủ động bảo vệ sức khỏe cho người dân, trước đó, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã ban hành công văn về việc thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng. Sở Y tế tỉnh khuyến cáo, người dân hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt vào khoảng thời gian cao điểm; tăng cường ăn rau xanh; uống nhiều nước, chia thành nhiều lần trong ngày; rèn luyện thân thể nâng cao sức khỏe…