Trước đó, khoảng 14 giờ ngày 3/11, hai em Đinh Chang và Đinh Đang (cùng sinh năm 2010, trú làng Tpôn 1, xã Yang Nam, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) đã bắt cóc, làm thịt nướng ăn tại rẫy của bà Đinh Thị Kuéch (là mẹ của em Đinh Đang). Trong quá trình làm thịt cóc, hai em đã cắt đầu, lột da và bỏ nội tạng nhưng vẫn giữ lại trứng cóc để nướng và chia nhau ăn.
Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, cả hai em bắt đầu xuất hiện các triệu chúng nôn liên tục, đau bụng, chóng mặt và được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế Kông Chro điều trị. Tuy nhiên, đến 18 giờ cùng ngày, em Đinh Chang đã tử vong. Còn em Đinh Đang tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai điều trị. Đến ngày 4/11, bệnh nhi này đã qua cơn nguy kịch và dần hồi phục.
Bác sỹ Từ Thị Mai Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai cho biết, may mắn là em Đinh Đang đã không ăn phải mật cóc nên không bị ảnh hưởng đến não. Hiện nay, bệnh nhi này đang tiếp tục được điều trị.
Theo bác sỹ Mai Linh, trước đó vào giữa tháng 10/2018, Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai cũng đã cấp cứu thành công hai bệnh nhi bị ngộ độc do ăn thịt cóc.
Theo ông Nguyễn Văn Đang, mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo người dân không ăn thịt cóc song tình trạng sử dụng thịt cóc để làm thực phẩm vẫn diễn ra. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do một số thông tin trên mạng internet và truyền miệng cho rằng thịt cóc rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, theo ông Đang, đến nay vẫn chưa có một tài liệu chính thức nào công bố tác dụng của thịt cóc.
“Ở Việt Nam, thịt cóc thuộc nhóm thực phẩm có nguy cơ ngộ độc cao, chúng tôi khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên ăn thịt cóc. Trên cơ thể cóc, ngoài độc tố có trên da, thì các phần nội tạng khác như gan, trứng hay mật cũng chứa chất độc, nên khi làm thịt, chỉ một sơ suất cũng khiến chất độc lan ra phần thịt và gây ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng”, ông Nguyễn Văn Đang thông tin thêm.