Bệnh nhân N.L, nữ, 65 tuổi, đến từ Quảng Ninh, có tiền sử tăng huyết áp. Trước khi nhập viện, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đau bụng vùng thượng vị, đi ngoài nhiều lần, cơn đau bụng kéo dài và ngứa da kéo dài hơn một tháng. Trước đó, khoảng một tháng, bệnh nhân đã được điều trị tại bệnh viện gần nhà và có cải thiện các triệu chứng, nhưng sau đó bệnh lại tái phát.
Qua khai thác được biết, gia đình bà nuôi một con chó lớn (nặng khoảng 25 kg). Đặc biệt, con chó này đã từng có dấu hiệu nôn ra sán, tuy nhiên gia đình không chú ý và vẫn tiếp xúc trực tiếp với chó mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ như găng tay hay giày dép khi dọn dẹp. Điều này có thể là nguyên nhân chính dẫn đến việc bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng.
Ban đầu, bà L xuất hiện cơn đau bụng dữ dội, đi ngoài liên tục từ chiều đến tối (khoảng 4 giờ), với số lần đi ngoài lên tới 25 - 26 lần. Phân có dạng lỏng, nước và bột, cho thấy dấu hiệu nhiễm trùng đường ruột nghiêm trọng. Sau khi nhập viện tuyến cơ sở, bà L được điều trị triệu chứng. Nhưng tại đây, bà L xuất hiện các tổn thương ngoài da, bao gồm sẩn ngứa và các đường hằn tròn trên tay và thân mình, kèm theo dấu hiệu sán di chuyển dưới da. Bà L được chuyển đến khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Tại khoa Nội Tổng hợp, bà L được chỉ định làm các xét nghiệm và có kết quả dương tính với sán lá gan lớn (Fasciola hepatica) và giun đũa chó mèo (Toxocara spp). Xét nghiệm cho thấy chỉ số IgE – một chỉ dấu phản ứng dị ứng của cơ thể – tăng vọt lên 1.652 IU/mL, cao gấp hơn 16 lần mức bình thường (dưới 100 IU/mL), cho thấy cơ thể bệnh nhân đang phản ứng mạnh mẽ với nhiễm ký sinh trùng. Đồng thời, bạch cầu ưa axit của bệnh nhân tăng lên 12,7% (so với mức bình thường 2 - 8%), phản ánh tình trạng viêm nhiễm do giun sán. Các triệu chứng ngứa kéo dài cùng kết quả xét nghiệm cho thấy sự hiện diện của giun sán trong cơ thể.
Sau 1 tuần điều trị, tình trạng của bệnh nhân L đã ổn định và sẽ được cấp đơn tiếp tục điều trị ngoại trú. Bệnh nhân cũng cần tái khám ít nhất ba lần trong vòng 6 tháng để theo dõi hiệu quả điều trị và nguy cơ tái nhiễm.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, để phòng bệnh giun đũa chó mèo, người nuôi thú cưng cần đặc biệt chú ý: Cần tẩy giun định kỳ cho chó, mèo để ngăn ngừa nhiễm bệnh. Người dân cần vệ sinh môi trường sống của chó, mèo. Khi tiếp xúc với các vật nuôi, đặc biệt là khi dọn phân, luôn sử dụng găng tay và giày dép để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh. Luôn đảm bảo giặt rửa sạch sẽ quần áo và dụng cụ sau khi tiếp xúc với thú nuôi hoặc các khu vực có nguy cơ nhiễm giun. Thường xuyên lau sàn nhà bằng các dung dịch có khả năng sát khuẩn, tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn…