Giám đốc điều hành UNAIDS Michel Sidib cho biết Cơ quan này phấn khích trước thông tin một bệnh nhân nhiễm HIV đã được điều trị thành công, cho rằng “bước đột phá này tuy phức tạp và còn nhiều việc phải làm, nhưng nó tạo cho chúng ta hy vọng về một tương lai có thể chấm dứt đại dịch AIDS bằng khoa học, thông qua vắc-xin hay điều trị”.
UNAIDS cũng nhìn nhận, việc điều trị bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc là rất phức tạp, dày công và tốn kém, đi cùng đó là những tác dụng phụ khác. Đây chưa phải là cách thức hiện hữu để chữa trị cho một số lượng lớn bệnh nhân nhiễm HIV. Nhưng kết quả tích cực này mở ra cho giới khoa học nghiên cứu điều trị HIV những đường hướng mới, cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư cho khoa học nghiên cứu và cải tiến.
Người nhận được niềm vui này là một nam bệnh nhân người Anh, được điều trị bệnh ung thư hạch và được cấy tế báo gốc vào năm 2016 từ một người hiến tặng có đột biến gen hiếm có khả năng kháng cự HIV.
Cả bệnh ung thư và HIV đều thuyên giảm và trong vòng 18 tháng bệnh nhân không còn phải dùng đến thuốc điều trị HIV, không còn dấu hiệu, triệu chứng nhiễm HIV. Các nhà nghiên cư cho rằng vẫn còn quá sớm để nói rằng "bệnh nhân London" đã được chữa khỏi hoàn toàn, nhưng đây là một bước tiến đầy hứa hẹn.
Cho đến nay, “bệnh nhân London” ẩn danh này là trường hợp thứ hai nhiễm HIV được cho là đã khỏi bệnh sau điều trị. Trước đó là một bệnh nhân ở Berlin, Đức, cũng được điều trị bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc năm 2007.