Hiến máu mang lại nhiều lợi ích về sức khoẻ
Sáng 7/4, hưởng ứng ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện, đông đảo người dân, các đơn vị đã đến đăng ký hiến máu tại Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, bảo đảm quy định phòng chống dịch.
Tranh thủ chờ đến lượt đăng ký hiến máu, anh Bùi Duy Bảy (ở Cầu Giấy, Hà Nội) ngồi đăng ký sử dụng luôn ứng dụng App Hiến máu trên điện thoại di động để có thể dễ dàng cập nhật lịch hiến máu thường xuyên trong thời gian tới.
Anh Bùi Duy Bảy cho biết: “Hưởng ứng ngày Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện, hôm nay tôi cùng với hơn 10 anh chị trong đơn vị công tác rủ nhau đi hiến máu. Khi còn là sinh viên tôi đã tham gia hiến máu rất thường xuyên; tuy nhiên từ khi đi làm ít thời gian nên tôi hiến ít hơn. Hôm nay tôi bắt đầu tham gia hiến máu trở lại sau khoảng 2 năm bận công tác. Tôi xác định thời gian tới sẽ tiếp tục lịch hiến máu nhắc lại thường xuyên nếu sức khoẻ đảm bảo”.
Đã hiến máu, hiến tiểu cầu hơn 30 lần, bạn Nguyễn Trọng Minh (sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Mỏ- Địa chất, Hà Nội) xếp lịch đi hiến tiểu cầu đúng dịp Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện để “có khí thế” hơn.
“Tôi tham gia hiến máu từ khi là sinh viên năm thứ 2. Trong gần 3 năm qua tôi thường xuyên tham gia hiến máu và hiến tiểu cầu. Hầu như cứ đủ điều kiện, đến lịch hiến nhắc lại là tôi đi hiến vì tôi biết quanh mình còn nhiều người bệnh cần máu điều trị. Bên cạnh đó, việc hiến máu thường xuyên cũng góp phần đảm bảo nguồn máu dự trữ quốc gia, hạn chế tình trạng khan hiếm máu. Để có đủ điều kiện tham gia hiến máu, tôi cũng luôn quan tâm đến sức khoẻ của mình, đi khám tổng thể định kỳ theo năm, sinh hoạt khoa học hơn…”
Nguyễn Trọng Minh cũng cho biết, từ khi tham gia hiến máu và hiến nhắc lại theo đúng lịch, sức khoẻ của Minh được cải thiện đáng kể. Ngoài việc cân nặng tăng nhẹ, ít mắc các bệnh cảm cúm, viêm nhiễm thông thường; Trọng Minh còn biết cách sinh hoạt điều độ, cân bằng chế độ ăn uống, dinh dưỡng cho phù hợp để bảo đảm sức khoẻ. Việc hiến máu thường xuyên đã cho thấy hiệu quả rất tốt với sức khoẻ người hiến.
Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cũng gửi đến cộng đồng thông điệp: "Hiến máu cứu người – Hãy hiến thường xuyên". Đây cũng là dịp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về mục đích, ý nghĩa cao đẹp của hiến máu cứu người; đồng thời khuyến khích, động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hiến máu thường xuyên.
Nói về tầm quan trọng của việc hiến máu thường xuyên, TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương cho biết: “Máu an toàn chỉ có thể được hiến tặng từ những người khỏe mạnh, hiến máu thường xuyên. Việc đảm bảo tuyển chọn, duy trì được nguồn người hiến máu an toàn, thường xuyên và ổn định, đáp ứng được nhu cầu máu cho điều trị là một trong những yêu cầu cơ bản đối với các cơ sở truyền máu, là giải pháp quyết định để giảm thiểu tối đa những rủi ro cho người bệnh do lây nhiễm các mầm bệnh”.
Hướng tới nguồn máu chất lượng
Hiến máu thường xuyên là mỗi người đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu đều đặn, trung bình mỗi năm 2 lần, sẵn sàng hỗ trợ hiến máu vào những thời điểm khan hiếm máu, theo nhu cầu của các cơ sở truyền máu, không chỉ trong những dịp kỷ niệm đặc biệt. Đây cũng là yếu tố giúp hoạt động hiến máu tình nguyện phát triển bền vững, không xảy ra tình trạng thiếu máu theo mùa vụ, thiếu máu theo nhóm máu.
Theo TS. Bạch Quốc Khánh, với những người hiến máu thường xuyên, họ luôn có ý thức giữ gìn sức khỏe, đồng thời tự sàng lọc các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân người hiến máu và cả người bệnh được nhận máu. Vì vậy, máu hiến từ những người hiến tặng thường xuyên là chất lượng nhất và an toàn nhất.
Đặc biệt, máu chỉ có thời hạn bảo quản và sử dụng nhất định. Vì vậy, việc duy trì được lượng người hiến thường xuyên sẽ duy trì đều đặn được lượng máu dự trữ, không bị lãng phí nếu dư thừa không sử dụng hết khi người dân chỉ tập trung hiến tại các dịp lớn.
“Sự mất cân đối giữa lượng máu tiếp nhận và nhu cầu sử dụng máu tùy từng nhóm máu vào một số thời điểm có thể ảnh hưởng đến chất lượng lưu trữ và sử dụng của máu. Trong khi các chế phẩm máu chỉ có thời hạn bảo quản, lưu trữ nhất định tối đa là 42 ngày với khối hồng cầu được bảo quản ở nhiệt độ 4 – 8 độ C hay khối tiểu cầu chỉ bảo quản được tối đa 5 ngày ở nhiệt độ phòng 20 – 24 độ C, kèm lắc liên tục”, BSCKII. Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Phụ trách Trung tâm Máu quốc gia cho biết.
Đặc biệt, những người hiến máu thường xuyên sẽ là những người gắn bó với hoạt động hiến máu tình nguyện lâu dài. Các đơn vị có thể kết nối với người hiến thường xuyên, qua đó có thể mời họ đến ngay khi người bệnh cần máu hoặc bị thiếu những nhóm máu của người đó. Khi có nguồn người hiến máu thường xuyên cũng sẽ giúp các bệnh viện chủ động hơn, xây dựng hoạt động hiến máu tình nguyện bền vững, không xảy ra câu chuyện thiếu máu thời vụ như trước kia.