Đa số trẻ mắc có triệu chứng nhẹ, nhanh khỏi nhưng sau đó nhiều trẻ chịu ảnh hưởng nặng nề, nếu không được xác định, chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm với trẻ nhỏ.
Sau 1 tháng âm tính với SARS-CoV-2, cháu N.T.K (11 tuổi, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) có biểu hiện sốt cao trở lại, ho, khó thở, tức ngực, mệt mỏi, ăn kém, rối loạn tiêu hóa, được gia đình đưa lên khám tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thái Thụy, chuyển tuyến Bệnh viện Nhi Thái Bình ngày 23/3. Tại đây các bác sỹ chẩn đoán cháu mắc hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C điển hình ở trẻ sau khi mắc COVID-19. Đây cũng là ca bệnh MIS-C đầu tiên được phát hiện tại cơ sở y tế này.
Anh Nguyễn Sỹ Trung, bố cháu K cho biết, cháu được xác định mắc COVID-19 ngày 22/2 và được điều trị tại nhà, trước đó cháu chưa từng có bệnh nền. Sau đúng 1 tháng khỏi bệnh, ngày 21/3 cháu bắt đầu có biểu hiện sốt trên 38,5 độ. Gia đình có cho cháu uống thuốc hạ sốt nhưng không hạ, ngoài ra cháu đau họng, mệt mỏi, li bì, tiêu chảy. Sau khi được chẩn đoán mắc hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C, hiện cháu K đang tiếp tục được theo dõi, điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhi Thái Bình) với nhiều chuyển biến tốt.
Chị Bùi Thị Dung (xã Đông Minh, huyện Tiền Hải) cũng đang chăm sóc con gái P.B.A (8 tuổi) tại Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhi Thái Bình) với chẩn đoán mắc COVID-19 và viêm não. Chị cho biết, ngày 13/3 cháu A sốt 38 độ và được gia đình cho uống thuốc hạ sốt, đến đêm cháu có biểu hiện co giật. Ngay sau đó, gia đình đã đưa cháu đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tiền Hải và chuyển tuyến đến Bệnh viện Nhi Thái Bình ngày 14/3.
Thống kê của ngành y tế tỉnh Thái Bình, đến nay trên địa bàn có gần 147.000 trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Vào trung tuần tháng 3/2022, tỷ lệ trẻ dưới 18 tuổi mắc COVID-19 có xu hướng tăng, chiếm trên 36%. Đa số trẻ mắc bệnh có triệu chứng nhẹ, nhanh khỏi, tuy nhiên sau khi khỏi bệnh nhiều trẻ có những bất thường về sức khỏe cần được thăm khám, nhất là trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Theo bác sỹ chuyên khoa I Trần Thị Nhẫn, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi Thái Bình), trung bình mỗi ngày Bệnh viện tiếp đón từ 200 đến 250 bệnh nhi đến khám với quy trình sàng lọc, phân luồng bệnh nhân được thực hiện kỹ lưỡng ngay từ khu vực cổng vào; trong đó có khoảng 40 bệnh nhi đến khám sau khi mắc COVID-19 với các triệu chứng như ho, đau đầu, mệt mỏi, ăn kém, phát ban, không tập trung… Qua thăm khám, Bệnh viện đã tầm soát và phát hiện một số trẻ có biểu hiện nặng, nghi ngờ mắc hội chứng hậu COVID-19.
Bác sỹ chuyên khoa II Đỗ Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Thái Bình cho biết, thời gian qua số trẻ mắc COVID-19 tại Thái Bình có xu hướng tăng, trong đó nhiều trẻ em dưới 12 tuổi mắc bệnh chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19. Qua triển khai hoạt động phòng khám hậu COVID-19, Bệnh viện đã ghi nhận một số trường hợp chịu những di chứng nặng sau khi mắc COVID-19 về hô hấp, rối loạn tâm, thần kinh….
Các bác sỹ khuyến cáo, với những trẻ đã mắc COVID-19 người nhà cần tiếp tục theo dõi sức khỏe của trẻ ít nhất 2-3 tuần, thậm chí là đến tận 2-3 tháng sau đó. Phụ huynh nên cho trẻ đi khám khi có các biểu hiện bất thường về thể chất và tinh thần như sốt cao liên tục trên 24 giờ; nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc; phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân; rối loạn tiêu hóa…
Mặc dù tỷ lệ trẻ mắc hội chứng hậu COVID-19 không nhiều song nếu được chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp trẻ phục hồi tốt, tránh các biến chứng nguy hiểm khác. Đặc biệt việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đối với những trẻ trong độ tuổi chỉ định là giải pháp tốt giúp phòng bệnh cũng như giảm thiểu các nguy cơ biến chứng khi mắc bệnh sau này.