Phòng chống bệnh do vi rút Zika:

Không gây hoang mang cho phụ nữ mang thai

Cần thực hiện truyền thông đồng thời tư vấn kỹ cho phụ nữ mang thai, tránh tâm lý hoang mang, đổ xô yêu cầu xét nghiệm không cần thiết.

Đây là yêu cầu của bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh tại buổi giám sát công tác phối hợp xây dựng quy trình chăm sóc, theo dõi thai phụ bị nhiễm bệnh do vi rút Zika tại bệnh viện Phụ sản Từ Dũ chiều 29/11.

Bác sỹ Phạm Anh Hải, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ cho biết, trong tháng 10 đơn vị này đã thực hiện xét nghiệm cho 6 thai phụ có dấu hiệu nghi ngờ và xác định 1 trường hợp nhiễm vi rút Zika. Tuy nhiên, bệnh viện đã và đang quản lý, theo dõi 9 trường hợp mang thai nhiễm vi rút Zika, trong đó có 8 trường hợp chuyển đến từ các bệnh viện khác.

Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh lồng ghép truyền thông về bệnh do vi rút Zika trong chương trình tư vấn tầm soát thai kỳ cho thai phụ. Ảnh: Phương Vy/TTXVN.

Tương tự, Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương cũng đã lấy mẫu xét nghiệm cho 17 trường hợp nghi ngờ và xác định 3 thai phụ nhiễm vi rút Zika. Cùng với 2 trường hợp chuyển từ các địa phương khác đến, bệnh viện này đang theo dõi 5 thai phụ nhiễm bệnh.

Như vậy, theo báo cáo của 2 bệnh viện phụ sản đầu ngành, đến nay TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 14 thai phụ nhiễm vi rút Zika, trong đó đã có 2 thai phụ đã sinh con an toàn và 2 trường hợp thai lưu, bị sẩy thai, 1 trường hợp chủ động chấm dứt thai kỳ. Hiện vẫn còn 9 thai phụ nhiễm vi rút Zika đang được chăm sóc, theo dõi tích cực tại 2 bệnh viện này.

Bác sỹ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ cho biết, thời gian qua số lượng thai phụ yêu cầu tư vấn, xét nghiệm tăng đột biến do quá hoang mang, lo lắng. Điều này đã gây áp lực không nhỏ cho các bác sỹ và bệnh viện. Thậm chí có một số thai phụ yêu cầu tự trả chi phí để được xét nghiệm mặc dù không có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm Zika. Tuy nhiên, bác sỹ Thanh cho rằng, với phụ nữ mang thai, vi rút Zika chưa chắc đã nguy hiểm bằng các loại bệnh khác như rubella, sốt xuất huyết.

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện nay kinh phí phòng chống dịch, xét nghiệm vẫn do Ủy ban nhân dân Thành phố chi trả nhưng chỉ đạo các đơn vị chỉ thực hiện xét nghiệm khi có các dấu hiệu nghi ngờ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Trước tình hình này, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh yêu cầu các bệnh viện phụ sản, khoa sản của các bệnh viện cần tư vấn kỹ cho thai phụ tránh tình trạng thai phụ đổ xô đi xét nghiệm, giảm áp lực cho bác sĩ và bệnh viện. Đồng thời các bệnh viện cũng cần tư vấn cho cả người thân trong gia đình có thai phụ nhiễm vi rút Zika.

Báo cáo mới nhất của Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong ngày 29/11 đã ghi nhận thêm 2 ca nhiễm vi rút Zika tại quận 7 và huyện Củ Chi, nâng số ca nhiễm trên toàn Thành phố lên 85 ca. Như vậy, đến nay đã có 19/24 quận, huyện có sự xuất hiện của vi rút Zika.
Đinh Hằng (TTXVN)
Hạn chế thấp nhất sự lây truyền virút Zika
Hạn chế thấp nhất sự lây truyền virút Zika

Dịch bệnh do virút Zika đang diễn biến phức tạp và số người nhiễm bệnh ngày càng gia tăng tại một số địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN