Một số địa phương có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết tăng cao so với cùng kỳ năm 2018 như: Thị xã Cai Lậy (tăng 311%), thành phố Mỹ Tho (tăng 276%), thị xã Gò Công (tăng 272%)…
Các ngành chức năng địa phương đã tích cực phòng chống bệnh, xử lý 638/644 ổ dịch sốt xuất huyết được phát hiện. Các ngành, địa phương tổ chức chiến dịch diệt loăng quăng nhiều đợt, phun gần 270 lít hóa chất chủ động dập dịch tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Gò Công…
Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn chưa ý thức được sự nguy hiểm của bệnh, dẫn tới chủ quan, trông chờ vào hoạt động phun hóa chất diệt muỗi của ngành chức năng. Do đó chưa chủ động thực hiện các biện pháp kiểm soát loăng quăng, dẫn tới loăng quăng chưa được diệt triệt để.
Để quyết liệt trong việc khống chế bệnh sốt xuất huyết, ngành chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát vật chứa nước có loăng quăng tại các hộ gia đình. Ngoài ra, các ngành chức năng tuyên truyền, vận động tới người dân để chủ động phòng chống, diệt loăng quăng vì nếu không diệt được loăng quăng triệt để thì rất khó có thể khống chế dịch bệnh.
Ngành Y tế tăng cường giám sát ca bệnh nhằm phát hiện địa bàn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh để chủ động tổ chức xử lý ổ dịch. Đặc biệt chủ động phun hóa chất diệt muỗi không để bùng phát, lan rộng.
Bác sỹ Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang cho biết, do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc phòng, chống bệnh sốt xuất huyết chủ yếu là diệt loăng quăng nhằm không cho chúng phát triển thành muỗi. Ngành chức năng cần tăng cường năng lực hệ thống điều trị để phát hiện sớm, cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc, hạn chế thấp nhất ca tử vong và giảm biến chứng. Người dân, khi thấy có các triệu chứng nghi ngờ như sốt cao, nhức đầu, buồn nôn, phát ban, nhức cơ…cần tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.