Đây là ngân hàng sữa mẹ thứ 2 tại khu vực miền Nam và là một trong 4 ngân hàng sữa mẹ đang hoạt động tại Việt Nam. Việc ra đời ngân hàng sữa mẹ góp phần tăng cơ hội sống cho trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh lý.
Đang nuôi con nhỏ sinh non tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Hùng Vương, chị Phạm Thị Thu Trang nghe được thông tin Bệnh viện Hùng Vương vận động hiến tặng sữa mẹ cung cấp cho ngân hàng sữa mẹ. Là một bà mẹ có con bị sinh non, chị Trang càng hiểu tầm quan trọng của sữa mẹ đối với trẻ sinh non nên đăng ký hiến tặng sữa của mình. “Tôi rất xúc động khi được các bác sĩ thông báo 12 lít sữa mà tôi hiến tặng đều đạt chuẩn và đã được cung cấp cho các bé sinh non, nhẹ cân, bệnh lý khác. Đây là một trải nghiệm quý giá trong cuộc đời của tôi”, chị Phạm Thị Thu Trang chia sẻ.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, hàng năm Khoa Sơ sinh của bệnh viện nuôi dưỡng, chăm sóc hàng ngàn trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh lý. Đặc biệt, trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày Bệnh viện Hùng Vương phải nuôi dưỡng, chăm sóc hàng trăm trẻ sơ sinh có mẹ mắc COVID-19. Trước đây, việc nuôi dưỡng trẻ chủ yếu dựa vào sữa công thức do không có nguồn sữa mẹ hiến tặng, dự trữ. Vì thế, việc thành lập một ngân hàng sữa mẹ nhằm cung cấp sữa cho những trẻ em không may mắn này là vô cùng cấp thiết. Với sự hỗ trợ từ nhiều đơn vị, tháng 7/2022, Bệnh viện Hùng Vương chính thức đưa vào hoạt động ngân hàng sữa mẹ và vận động được 17 bà mẹ hiến tặng với 235 lít sữa thô. “Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều bà mẹ biết đến ngân hàng sữa mẹ, tình nguyện hiến tặng sữa để cùng chúng tôi góp phần cứu sống các bệnh nhi không may mắn khác”, bác sĩ Tuyết kêu gọi.
Là người kết nối các nguồn lực đầu tư cho sự ra đời của ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Hùng Vương, bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh kể lại, trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, bà chứng kiến rất nhiều trẻ sơ sinh không được bú mẹ, không được gần gia đình, phải dựa vào sự chăm sóc của đội ngũ y bác sĩ và các tình nguyện viên. Điều này đã thôi thúc bà tìm kiếm các nguồn hỗ trợ để thành lập ngân hàng sữa mẹ cho trẻ sơ sinh. Gần một năm sau, ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương ra đời đúng như nguyện vọng. “Tôi hy vọng ngân hàng sữa mẹ sẽ tiếp tục sứ mệnh chăm sóc trẻ sơ sinh cho Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam, góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh”, bà Nguyễn Thị Lệ phát biểu.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay tỷ lệ tử vong sơ sinh ở Việt Nam vẫn còn cao, chiếm 70 - 80% số ca tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi. Các nghiên cứu cho thấy trong số những giải pháp nhằm giảm tử vong cho trẻ nhỏ, sữa mẹ là giải pháp quan trọng nhất và có tiềm năng to lớn tác động đến sự sống còn của trẻ. Sữa mẹ không chỉ giúp trẻ lớn nhanh và phát triển toàn diện mà còn tăng cường hệ miễn dịch, nhất là trong giai đoạn hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện; các kháng thể thụ động từ mẹ truyền sang con trong sữa mẹ sẽ giúp trẻ chống lại nhiều bệnh nhiễm trùng xung quanh môi trường sống.
Tuy nhiên, không phải người mẹ nào cũng có thể cho con bú, các nguyên nhân thường gặp là do mẹ bị bệnh hoặc đang dùng thuốc điều trị ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ. Đối với nhóm trẻ có nguy cơ cao, bao gồm trẻ sinh non, nhẹ cân, trẻ bệnh lý hoặc mồ côi, mắc COVID-19, sữa mẹ giúp mang lại nguồn dinh dưỡng sẵn có với khả năng cứu sống tốt nhất. Đây là liều thuốc đặc biệt giúp tăng cường khả năng sống sót cho nhóm trẻ sơ sinh bệnh nặng, chưa thể bú sữa mẹ đẻ đang điều trị tại bệnh viện.
Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương ra đời trong bối cảnh diễn ra Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy phong trào nuôi con bằng sữa mẹ tại Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu, Bệnh viện Hùng Vương cần tiếp tục hoàn thiện quy trình từ tiếp nhận, xử lý, lưu trữ, phân phối sữa mẹ nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ. Đồng thời, tạo điều kiện để việc cho – nhận sữa được diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.