Khám phá nơi nuôi dưỡng những chú chuột thí nghiệm

Nuôi chuột bạch thí nghiệm vất vả như nuôi “con mọn” bởi từ khâu chăm sóc, vệ sinh, tới cho ăn uống… luôn phải đảm bảo đúng quy trình nghiêm ngặt, không được sai sót.

Chú thích ảnh
Phòng nuôi chuột thí nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Như nuôi con mọn

Cuối giờ trưa, trong khi tại nhiều công sở thường yên tĩnh thì tại Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất động vật thí nghiệm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), tiếng máy nghiền thức ăn, tiếng vệ sinh, cọ rửa dụng cụ, khay đồ ăn vẫn rộn ràng. Khách đến thăm phải mặc quần áo chuyên dụng, bịt khẩu trang kín mít mới được vào các phòng nuôi.

Trong căn phòng nhỏ sạch sẽ từ không khí đến nền nhà, lớp lớp những khay nhựa là ngôi nhà của những chú chuột bạch đáng yêu. Một đàn chuột con còn đỏ hỏn đang ngủ ngon dưới bộ lông trắng muốt của chuột mẹ, chúng chẳng hề hoảng hốt khi nhân viên chăm sóc đến dọn dẹp, thay ổ. Thức ăn, bình nước uống lúc nào cũng đầy trên giá úp miệng khay. Dường như với những chú chuột này, nhân viên của trung tâm là những “ông bố, bà mẹ” luôn sát sao, thường trực 24/24 giờ.

“Phải tới đây mới hiểu vì sao nhân viên của trung tâm chủ yếu là nữ bởi việc chăm sóc giống chuột này còn vất vả, cầu kỳ, kỹ lưỡng hơn nuôi con mọn”, bà Trịnh Thanh Phương, cán bộ quản lý Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất động vật thí nghiệm giới thiệu.

Chú thích ảnh
Nuôi chuột bạch được ví như nuôi con mọn với quy trình rất nghiêm ngặt.

Đặc thù của việc nuôi chuột bạch là liên tục phải chăm sóc, cho ăn uống, thay ổ, vệ sinh; luôn luôn phải có người túc trực, theo dõi. Với các nhân viên ở đây, ngày thường cũng như ngày nghỉ lễ, Tết, công việc không hề thay đổi. Hiện trung tâm có 16 người, bất kể ngày, đêm lúc nào cũng phải luân phiên trực chăm sóc các chú chuột.

Thức ăn cho chuột bạch phải có công thức riêng, là các nguyên liệu như: Bột cá, bột ngô, bột gạo, bột đậu, các loại vitamin, khoáng chất bổ sung đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng. Theo công thức chuẩn với khu chế biến riêng, nhân viên sẽ trộn ép các nguyên liệu, sấy khô thành viên thức ăn tổng hợp để dự trữ hàng ngày.

Không chỉ cầu kỳ về thức ăn, việc chăm sóc những chú chuột cũng cần hết sức cẩn thận, tỉ mỉ. Từ khi chuột mẹ sinh (trung bình 10 - 13 con/ổ), cả chuột mẹ và chuột con đã được chăm sóc đặc biệt, nhất là với chuột con đang bú mẹ được chú ý liên tục, cho ăn bánh nhiều hơn, khi cho ăn cũng phải để ý hơn, không để xảy ra những sự cố như: Đổ chai nước, lồng chuồng bẩn… Đến giai đoạn cai sữa (khoảng 3 - 4 tuần tuổi), các chú chuột con bắt đầu tách mẹ, được phân loại chăm sóc, chọn lọc. Với cách chăm sóc, chọn giống tốt, rất ít những con còi, không đạt chất lượng. Theo vòng đời của chuột bạch, sau khi được nuôi duy trì từ 6 - 8 tháng, khả năng sinh trưởng phát triển kém sẽ phải loại thải và có các thế hệ tiếp tục gối nhau, việc loại bỏ cũng phải theo quy định.

Theo bà Trịnh Thanh Phương, công việc nuôi chuột bạch là vậy, vất vả nhưng việc của ngày nào phải hoàn thành ngay trong ngày đó, không thể để sang ngày hôm sau, vì đặc thù sinh trưởng cũng như chăm sóc chuột ở từng độ tuổi là khác nhau, mỗi ngày một kế hoạch riêng… mới đảm bảo được nguồn cung cho công tác nghiên cứu.

Chú thích ảnh
Cầu kỳ nhất là chăm sóc những ổ chuột non mới sinh.

Không được sai sót

Để có những chú chuột nghiên cứu đạt tiêu chuẩn, việc nuôi, chăm sóc luôn theo quy trình chuẩn, không được sai sót khâu nào, nếu không sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng khi đưa chuột vào nghiên cứu ở các đơn vị.

“Ở đây chúng tôi đang nuôi khoảng hơn 20.000 con chuột bạch các giống, các độ tuổi, chia thành 16 phòng nuôi. Hiện nguồn chuột bạch đạt tiêu chuẩn của trung tâm được cung cấp cho các trường đại học, các viện nghiên cứu như: Viện Kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế, Viện Sốt rét - Côn trùng - Ký sinh trùng trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương... để phục vụ cho nghiên cứu, thí nghiệm, làm các đề tài… Các loại chuột, độ tuổi khác nhau tùy theo nhu cầu nghiên cứu của các đơn vị”, bà Trịnh Thanh Phương cho biết.

Cụ thể, chuột bạch thí nghiệm đang phục vụ cho nghiên cứu vắc xin viêm não Nhật Bản cần loại độ tuổi 3 - 4 tuần tuổi, loại cung cấp cho các trường đại học nghiên cứu thường là ngoài 4 tuần tuổi, có trọng lượng 18 - 20g…

Vì những tác dụng rất lớn trong phục vụ nghiên cứu nên môi trường nuôi chuột bạch luôn phải đạt tiêu chuẩn. Phòng nuôi những chú chuột này luôn phải đảm bảo duy trì nhiệt độ cố định là 25 - 26 độ C, độ ẩm 60 - 70 % bằng hệ thống điều hoà không khí. Vì vậy, trung tâm luôn phải sẵn sàng 2 hệ thống điều hoà song song để thay thế, dự phòng nếu có hệ thống gặp sự cố, không được để sự cố kéo dài.

Chú thích ảnh
Những chú chuột trắng muốt có giá trị rất lớn với y học.

Với công việc nuôi chuột thí nghiệm, công đoạn phòng bệnh cũng luôn phải đặt lên hàng đầu, nếu không rất dễ gây ra dịch bệnh, gây hậu quả lớn. Bởi vậy các khâu vệ sinh môi trường ăn uống, bảo hộ cho nhân viên cũng luôn bảo đảm bảo, từng khâu nhỏ đều phải tuyệt đối an toàn. Với quy trình nghiêm ngặt, ngay từ đầu vào đã sạch, các dụng cụ đảm bảo, thậm chí trấu ủ lót ổ cũng phải vô trùng, nên chưa từng xảy ra dịch bệnh cho đàn chuột.

“Chúng tôi gắn bó với từng chú chuột bạch được nuôi ở đây. Mỗi chú chuột đều có những đóng góp cho tiến bộ của y học, phục vụ con người, và chúng tôi thêm hiểu về ý nghĩa trong công việc lặng thầm của mình cùng đồng nghiệp”, bà Trịnh Thanh Phương chia sẻ.

 

Bài và ảnh: Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Chuột thí nghiệm - Câu chuyện ít người biết
Chuột thí nghiệm - Câu chuyện ít người biết

Con người đã dùng chuột làm thí nghiệm trong hơn 150 năm qua và số công trình nghiên cứu khoa học dựa trên loài vật bé nhỏ, nhanh nhẹn này tiếp tục gia tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN