Mô hình đạt hiệu quả cao
Hiện nay, đề án “Thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội” đã được triển khai tại 9 tỉnh, thành phố bao gồm: Nghệ An, Đồng Nai, Tây Ninh, Điện Biên, Tiền Giang, Hải Phòng, Bình Dương, Cần Thơ và Kiên Giang, cung cấp dịch vụ phòng chống HIV cho gần 4.000 khách hàng thông qua 20 hợp đồng ký kết thành công với 13 tổ chức cộng đồng và doanh nghiệp xã hội.
Báo cáo đánh giá giữa kỳ của đề án thí điểm giai đoạn 2022-2024 (tháng 3/2024) cho thấy, hợp đồng xã hội là một trong những giải pháp giúp Việt Nam đạt được mục tiêu quốc gia về dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV thông qua mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ HIV do các tổ chức cộng đồng cung cấp cho các nhóm đối tượng đích.
Qua hơn 2 năm triển khai thí điểm, tất cả các đơn vị tham gia vào đề án đều cho thấy năng lực về quản lý, điều phối và thực hiện chương trình được nâng cao, từ cấp trung ương đến cấp tỉnh và các tổ chức cộng đồng. Với hầu hết các tỉnh có sự tham gia tích cực từ lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa cơ quan cấp tỉnh và tổ chức xã hội, việc triển khai các hoạt động thí điểm gặp nhiều thuận lợi và đạt kết quả rất khả quan. Hầu hết các tổ chức xã hội ký hợp đồng đều hoàn thành chỉ tiêu của các gói dịch vụ.
Nhận định của các ban, ngành liên quan trong thực hiện Hợp đồng xã hội cho thấy, việc nhân rộng mô hình hợp đồng xã hội sử dụng ngân sách nhà nước là có khả năng triển khai. Về phía các tổ chức xã hội, 93% nhân viên tiếp cận cộng đồng mong muốn tiếp tục tham gia khi chuyển sang sử dụng ngân sách nhà nước.
Cần các giải pháp để nhân rộng
Tuy nhiên, để tiếp tục triển khai hợp đồng xã hội thời gian tới, theo các chuyên gia, các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội cần nhiều giải pháp phối hợp chặt chẽ.
Cụ thể, nhà nước cần có các quy định pháp lý và văn bản hướng dẫn cụ thể. Các quy định pháp lý và văn bản hướng dẫn bao gồm Nghị định hoặc Quyết định của Thủ tướng về Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và việc sử dụng ngân sách địa phương cho hoạt động hợp đồng xã hội cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS là rất cần thiết.
ThS.BS Đỗ Hữu Thủy, Phó Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: “Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1387/QĐ-TTg phê duyệt các danh mục dịch vụ y tế, dân số nhưng hầu hết các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS không nằm trong danh mục này nên không sử dụng tiền ngân sách để ký hợp đồng được. Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ Quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước chỉ thực hiện với các đơn vị sự nghiệp công lập. Các tổ chức xã hội không phải đơn vị sự nghiệp công lập nên không áp dụng được Nghị định 32”.
Đề cập tới các quy định pháp lý và văn bản hướng dẫn, ông Nguyễn Quốc Đạt, Trưởng Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng: “Để có được nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ, cần phải có khung pháp lý phù hợp từ Trung ương hướng dẫn. Trên cơ sở đó, các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là đơn vị Phòng, chống HIV/AIDS mới có thể tham mưu cho Sở Y tế và UBND xin ý kiến Sở Tài chính cấp kinh phí cho hoạt động này”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất cần phải có các quy định về giám sát chất lượng dịch vụ do các tổ chức xã hội cung cấp; có thêm những quy định trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ do các tổ chức xã hội cung cấp.
Để triển khai thí điểm, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã ban hành hướng dẫn về định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá cho từng gói dịch vụ. Theo kết quả đánh giá giữa kỳ, 80% nhân viên tiếp cận cộng đồng cho biết họ được nhận hỗ trợ tài chính/lương đủ để cung cấp các dịch vụ và 71% nhận xét khoản hỗ trợ đi lại để cung cấp dịch vụ hiện đang được tính trong giá của gói dịch vụ là phù hợp với thực tế. Do đó, vẫn còn một số tổ chức xã hội cho rằng đơn giá hiện đang áp dụng cho thí điểm là thấp và chưa phù hợp với thực tế, cần bổ sung thêm chi phí tiền lương, hỗ trợ đi lại, kinh phí truyền thông tạo cầu và chi phí vận hành tổ chức.
“Định mức, đơn giá cần có điều chỉnh phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương, vùng miền và từng đối tượng khách hàng để hấp dẫn tổ chức xã hội khi tổ chức đấu thầu rộng rãi”, ThS. Đoàn Thị Kim Phượng, Phó Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cần Thơ chia sẻ.
Theo đó, các tổ chức xã hội cũng cần được tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn cũng như hoàn thiện tư cách pháp nhân để có thể tham gia hợp đồng xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Theo ông Đoàn Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên, như tại Điện Biên, các tổ chức về xã hội trên địa bàn của tỉnh là những tổ chức nhỏ lẻ không có tư cách pháp nhân. Năng lực, trình độ, kỹ năng triển khai những hoạt động về cung ứng dịch vụ phòng chống HIV của các nhóm tổ chức xã hội trên địa bàn còn hạn chế… Do đó, cần tiếp tục hỗ trợ các tổ chức cộng đồng xây dựng năng lực để đăng ký tư cách pháp nhân; tăng cường cơ chế trao đổi kiến thức, hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên giữa Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, cơ sở y tế và các tổ chức xã hội cũng cần được thực hiện một cách thường xuyên và liên tục.
Các chuyên gia cũng cho rắng, các tổ chức xã hội không phải là đơn vị chuyên môn sâu về y tế, nên trình độ, kiến thức, kỹ năng còn nhiều hạn chế. Trong thời gian tới, cần tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cập nhật kiến thức về HIV, kỹ năng tiếp cận khách hàng để dễ dàng tiếp cận, tư vấn cho khách hàng. Bên cạnh đó, kết quả đánh giá giữa kỳ cũng cho thấy các tổ chức xã hội cũng cần nâng cao hơn nữa các kỹ năng về quản trị tổ chức, quản lý tài chính, năng lực tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ.
Mô hình hợp đồng xã hội sử dụng ngân sách địa phương được đánh giá có tính khả thi với điều kiện đảm bảo đầy đủ khung pháp lý và hướng dẫn từ Trung ương để địa phương thực hiện. Đồng thời việc hoàn thiện khung pháp lý và hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội là việc làm cần thiết trong thời gian tới.