Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Đinh Hằng/TTXVN
Việc thành lập mô hình một cửa tiếp nhận trên dựa vào kết quả triển khai thí điểm mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại (mô hình Bồ Công Anh) đặt tại Bệnh viện Hùng Vương (Quận 5) từ tháng 3/2023.
Theo đó, các bệnh viện có mô hình một cửa sẽ tiếp nhận, khám sàng lọc, điều trị, tư vấn, cung cấp dịch vụ bảo vệ khẩn cấp tại chỗ cho trẻ em nghi ngờ bị bạo lực, xâm hại, mang thai ngoài ý muốn.
Đầu ra của mô hình đặt tại Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên Thành phố Hồ Chí Minh (quận Gò Vấp), thực hiện chức năng tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng, cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại, mang thai ngoài ý muốn được chuyển từ các bệnh viện và cần tạm lánh khẩn cấp.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Y tế làm cơ quan chủ trì, phối hợp thực hiện với các bên liên quan, đồng thời tham mưu trình Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành quy chế hoạt động của mô hình một cửa. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan điều phối chuyên môn, phối hợp các bệnh viện và đơn vị kết nối các dịch vụ hỗ trợ, can thiệp, phục hồi, phát triển cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại, mang thai ngoài ý muốn và gia đình. Ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo kinh phí hoạt động cho mô hình một cửa tại các bệnh viện.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố, tiện ích của mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại có khả năng can thiệp nhanh và hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân bị bạo lực, xâm hại ngay từ khi họ đến bệnh viện. Khi phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu hoặc đã trải qua bạo lực, xâm hại, bác sỹ sẽ tư vấn và chuyển bệnh nhân đến mô hình để nhận trợ giúp. Tại đây, bệnh nhân sẽ được can thiệp khẩn cấp, hỗ trợ tâm lý, pháp lý và kết nối với các dịch vụ cần thiết.
Mô hình hoạt động theo quy trình khép kín một đầu mối, đảm bảo bệnh nhân nhận được hỗ trợ đầy đủ từ bệnh viện đến các dịch vụ tạm lánh và an sinh xã hội tại Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên Thành phố.
Theo đại diện Bệnh viện Hùng Vương, sau gần 2 năm vận hành thí điểm, mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại, Bệnh viện Hùng Vương đã hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho 188 trường hợp phụ nữ, nữ chưa thành niên và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục. Trong đó, có đến 160 trường hợp là trẻ em dưới 16 tuổi mang thai và sinh con, chiếm 85,11% tổng số ca.
Ngoài ra, tại Bệnh viện Hùng Vương cũng ghi nhận 687 trường hợp trẻ em mang thai và 184 trẻ vị thành niên phá thai. Đây là những con số đáng báo động, đòi hỏi các biện pháp ngăn chặn và trợ giúp kịp thời cho trẻ em.