Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, về công tác đáp ứng y tế trong mùa mưa lũ năm 2024, do ảnh hưởng của bão số 3, toàn Thành phố đã có 27 quận, huyện; 184 xã, phường, 449 điểm bị ngập úng. Với phương châm nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó, ngành y tế Hà Nội đã chỉ đạo tập trung nguồn lực cho công tác vệ sinh môi trường.
Cụ thể, tại các khu vực bị ngập, có tổng số 39.116 hộ gia đình bị ngập; tính đến hết ngày 15/9, còn 13.540 hộ vẫn bị ngập nước. Đến nay, số hộ gia đình đã được xử lý môi trường là gần 24.000 hộ. Đặc biệt trong số 52 điểm chân rác bị ngập, đã có 36 điểm đã được xử lý.
Về cấp phát thuốc, hóa chất khử trùng, các trung tâm y tế trên địa bàn Hà Nội đã cấp 5.450 kg Cloramin B; 620kg vôi bột; 30,4 kg phèn chua phục vụ cho công tác xử lý nước, môi trường.
Tại các cơ sở y tế, tính đến hết ngày 15/9, có 5 Trạm Y tế là Mỹ Lương và Nam Phương Tiến A (TTYT huyện Chương Mỹ), Trạm Y tế Ngô Quyền (TTYT Sơn Tây), Trạm Y tế Phù Lưu và Hồng Quang (TTYT Ứng Hòa) còn bị ngập. Các trạm bị ngập được bố trí sang các địa điểm tạm thời để đảm bảo an toàn về nhân lực, tài sản, trang thiết bị, thuốc… tiếp tục thực hiện công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức nhân dân địa phương.
Về tình hình dịch bệnh trong các khu vực ngập lụt, đã ghi nhận 508 người dân mắc bệnh về da, 42 trường hợp mắc bệnh tiêu hóa, 117 trường hợp mắc bệnh về mắt, 1 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Các đơn vị đã chủ động cấp phát thuốc phòng bệnh gồm thuốc kháng sinh đường ruột, thuốc bôi ngoài da, men tiêu hoá, thuốc nhỏ mắt cho người dân tại các điểm ngập úng: Tại huyện Quốc Oai, người dân được phát 21 loại thuốc; huyện Sóc Sơn phát 9 loại thuốc, huyện Chương Mỹ phát 13 loại thuốc... cho người dân chữa bệnh.
Tại các cơ sở y tế vẫn đảm bảo tốt hoạt động khám, chữa bệnh trên địa bàn; tổ chức thường trực khám chữa bệnh 24/24 giờ, không để gián đoạn công tác khám chữa bệnh.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các bệnh viện tuyến thành phố, bệnh viện ngoài công lập và các bệnh viện trên địa bàn, hệ thống y tế tư nhân sẵn sàng tham gia cứu nạn, nhận và triển khai nhiệm vụ hỗ trợ khi có yêu cầu của cấp trên.
Ngành y tế cũng tiếp tục triển khai các hoạt động tổng vệ sinh môi trường khi nước rút theo phương châm "nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó", tổ chức thu gom xử lý xác động vật phát sinh các bệnh truyền nhiễm, phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho bệnh nhân và người dân tại cộng đồng về công tác nước sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh thường xuất hiện sau mùa mưa bão, ngập lụt, phòng chống tai nạn thương tích với nhiều hình thức như: Truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình bị ngập, phát tờ rơi, phát thanh hàng ngày…