Mô hình này đã mang lại nhiều lợi ích với người dân do có chi phí hợp lý và thuận tiện.
Phú Xuyên là một trong những địa phương ở Hà Nội tích cực triển khai mô hình khám, chữa bệnh theo gia đình. Từ cuối năm 2019, huyện hiện đã bắt đầu ứng dụng tại 17 xã, thị trấn trọng điểm và tiến tới tất cả các trạm y tế trên toàn huyện đều sẽ thực hiện mô hình này.
Là một trong những trạm y tế đầu tiên của huyện Phú Xuyên thí điểm triển khai mô hình khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình từ tháng 8/2019, đến nay, Trạm y tế xã Tân Dân đã lập được 552 hồ sơ bác sĩ gia đình, trong đó 463 hồ sơ điều trị cao huyết áp, 89 hồ sơ điều trị đái tháo đường, đạt tỉ lệ trên 105 % kế hoạch năm 2020. Bên cạnh đó, trạm đã triển khai được 938 lượt kỹ thuật trong tổng số 470 danh mục kỹ thuật được Sở Y tế phê duyệt. Trong 8 tháng đầu năm 2020 trạm đã khám bệnh cho 4.580 lượt người, đạt 73,6% kế hoạch.
Khi triển khai mô hình mới, các nhân viên y tế của trạm được đào tạo, tập huấn về phương pháp thu thập thông tin, cách tư vấn dự phòng, phát hiện sớm bệnh cao huyết áp và đái tháo đường. Chính quyền xã đã truyền thông giúp người dân hiểu cách phòng chống các yếu tố nguy cơ gây bệnh, lợi ích của quá trình điều trị sớm và hậu quả nặng nề của các biến chứng những căn bệnh này.
Trạm Y tế xã Nam Triều (huyện Phú Xuyên) cũng đã triển khai các nội dung khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân theo nguyên lý y học gia đình thường xuyên, liên tục và toàn diện. Nhờ luôn quan tâm đến chất lượng khám chữa bệnh từ khâu tiếp đón, khám tư vấn, tuyên truyền để người dân hiểu biết về mô hình trạm y tế khám chữa bệnh theo y học gia đình; đảm bảo dự trù đầy đủ thuốc, vật tư trang thiết bị, số lượt người dân đến trạm khám và điều trị ngày càng tăng, tạo được lòng tin của người bệnh vào trình độ chuyên môn của y, bác sĩ. Từ đó, thói quen của người dân từng bước được thay đổi, giảm được việc phải lên tuyến trên một cách không cần thiết. Giờ đây, người dân đã tin tưởng đến trạm y tế xã khám chữa bệnh và được kê đơn cấp thuốc, sàng lọc lập hồ sơ quản lý phù hợp với từng người, từng mặt bệnh khác nhau.
Bắt đầu từ năm 2018, đến nay huyện Đan Phượng đã triển khai mô hình này ở 100% trạm y tế xã. Ông Nguyễn Gia Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng, cho biết: Nhờ triển khai tốt mô hình nên các trạm y tế của huyện được người dân tin tưởng, hưởng ứng vì họ được hưởng lợi rất nhiều. Thay vì người dân phải đi lên tuyến trên khám chữa bệnh, vừa tốn kém vừa mất thời gian đi lại, chờ đợi, họ được tư vấn, khám chữa bệnh ngay tại địa phương. Ngoài ra, khi triển khai theo mô hình mới, các trạm y tế nhận được sự hỗ trợ từ các bệnh viện trung ương, bệnh viện thành phố trong việc khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, các trạm y tế còn gặp nhiều khó khăn do thiếu y, bác sĩ trong khi trạm y tế có rất nhiều chương trình, hoạt động, không thể làm nhiều việc cùng một lúc. Mặt khác, các bác sĩ của bệnh viện tuyến trên không thể thường xuyên hỗ trợ các trạm y tế. Ngoài ra, việc thanh toán bảo hiểm y tế cũng còn nhiều khó khăn. Các dịch vụ chuyên sâu chưa thể thanh toán bằng bảo hiểm y tế.
Chia sẻ về những khó khăn khi triển khai mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, ông Hoàng Lưu Sa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, cho biết, phần mềm công nghệ thông tin chưa đáp ứng nhu cầu, chưa được hoàn thiện. Hệ thống máy tính, máy in, văn phòng phẩm khá tốn kém. Trong khi đó các trạm phải tự đào tạo cán bộ nhập liệu, công nghệ thông tin. Nguồn kinh phí ở trạm y tế ít mà dịch vụ chỉ được thanh toán 70%. Khó khăn nhất vẫn là vấn đề nhân lực của trạm y tế xã. Toàn huyện có 7-8 bác sỹ thường xuyên được phân công về các trạm y tế xã nhưng các trạm vẫn gặp khó khăn vì bác sỹ phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp. Vì thu nhập thấp nên một số bác sỹ bỏ ra ngoài làm, gây tình trạng chảy máu chất xám.
Tại cuộc làm việc giữa Sở Y tế Hà Nội với UBND huyện Đan Phượng về kết quả triển khai mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình mới đây, đại diện huyện Đan Phượng cho biết, đến nay, UBND huyện đã quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho các trạm y tế đảm bảo bố trí, sắp xếp đủ các buồng, phòng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về bố trí không gian, các phòng chức năng cho trạm y tế điểm. Đồng thời, huyện đầu tư các thiết bị y tế bước đầu đáp ứng yêu cầu chuyên môn khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, một số thiết bị còn thiếu như máy điện châm, đèn hồng ngoại; một số thiết bị được trang bị đã lâu, cần được sửa chữa hoặc thay mới như máy siêu âm, máy xét nghiệm nước tiểu, đường huyết. Về nhân lực, các trạm y tế có 109 trong tổng số 122 biên chế, còn thiếu 13 biên chế. Cơ bản mỗi trạm y tế đều được bố trí 1 bác sĩ. Từ năm 2018 đến nay, 100% bác sĩ đã có chứng chỉ khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình và 2 bác sĩ y học cổ truyền có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh y học cổ truyền.
Để triển khai có hiệu quả mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đã rà soát, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất để các trạm y tế có đủ các phòng chức năng như phòng khám bệnh, cấp cứu, phòng tiêm chủng, phòng khám y học cổ truyền, phòng truyền thông tư vấn; bổ sung thêm các trang thiết bị, máy móc theo quy định.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã đề nghị, để giải quyết khó khăn trước mắt về vấn đề nhân lực, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần đánh giá về mô hình bệnh tật tại địa bàn, đề xuất tăng cường bác sĩ chuyên khoa. Các đơn vị trong ngành cần nghiêm túc thực hiện việc luân phiên các bác sĩ của tuyến trên xuống các trạm y tế làm việc từ 1 đến 2 buổi/tuần, không để các bác sĩ ở trạm hoạt động đơn lẻ mà cần có sự kết nối, hỗ trợ của tuyến trên.
Hiện tại ngành y tế Hà Nội có 502 trong tổng số 584 xã, phường có bác sĩ định biên tại trạm y tế, trong đó có 400 bác sĩ đa khoa. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục củng cố đào tạo cung cấp nguồn nhân lực, có bác sĩ đa khoa đủ điều kiện đi học chứng chỉ bác sĩ gia đình. Sở Y tế Hà Nội cho rằng cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để thu hút người dân đến khám chữa bệnh sẽ có kinh phí từ nguồn bảo hiểm y tế và dịch vụ, từ đó các bác sĩ công tác tại trạm cũng an tâm hơn. Bên cạnh đó, ngành cũng đang đề xuất để các các trạm y tế tuyển dụng bác sĩ thông qua xét tuyển mà không thi tuyển, đồng thời tiếp tục việc đào tạo liên thông từ y sĩ lên bác sĩ tại các trạm y tế cơ sở.